Tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người lao động

23/07/2021
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thông tư này quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là tái cấp vốn).
Trình tự tái cấp vốn
Ngân hàng Chính sách xã hội gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bản Giấy đề nghị vay tái cấp vốn theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại khoản 1 Điều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nhận được Quyết định tái cấp vốn quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ký Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn với các nội dung cơ bản theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn từng lần đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo trình tự sau:
a) Trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn đã ký quy định tại khoản 3 Điều này và số tiền đề nghị vay của người sử dụng lao động đủ điều kiện quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg), Ngân hàng Chính sách xã hội gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bản Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước);
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại điểm a Khoản này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giải ngân tái cấp vốn theo số tiền tại Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội sau khi khế ước nhận nợ theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này đã được ký.
Trả nợ vay tái cấp vốn
Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sau đây gọi là người sử dụng lao động).
Trường hợp đến hết ngày 05 tháng 4 năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này thì trước ngày 15 tháng 4 năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất.
Trường hợp dư nợ khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội không trả hết nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ngân hàng Nhà nước chuyển dư nợ khoản tái cấp vốn sang theo dõi quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.
Trường hợp phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động, trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội phải sử dụng toàn bộ số tiền trả nợ của người sử dụng lao động trong tháng để trả nợ vay tái cấp vốn theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất (bao gồm dư nợ vay tái cấp vốn đã chuyển sang theo dõi quá hạn, dư nợ vay tái cấp vốn chưa đến hạn), trừ trường hợp phát sinh tiền thu hồi quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp xử lý như sau:
a) Áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (12%/năm) đối với số tiền chưa trả đúng, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày phải trả theo quy định tại Thông tư này đến ngày Ngân hàng Chính sách xã hội trả hết số tiền chưa trả đúng;
b) Trích tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi số tiền vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội chưa trả đúng và tiền lãi quy định tại điểm a Khoản này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nhận được văn bản thông báo vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 9 Thông tư này.
c) Trường hợp đã thực hiện biện pháp quy định tại điểm b Khoản này nhưng vẫn chưa thu hồi đủ số tiền vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội chưa trả đúng và tiền lãi quy định tại điểm a Khoản này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, trích tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước cho đến khi thu hồi hết nợ;
d) Việc thu hồi tiền vay tái cấp vốn và tiền lãi quy định tại điểm b, c Khoản này thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng và các tổ chức khác.
Ngân hàng Nhà nước xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều 43 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và các quy định của pháp luật liên quan.