Chính sách có hiệu lực vào tháng 8/2021

30/07/2021
Nhiều chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực trong tháng 8 như: quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...
Các hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10/2010/NĐ-CP và Nghị định số 57/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định gồm có 05 Chương và 29 Điều quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng áp dụng đối với: Công ty thông tin tín dụng; Tổ chức tham gia; Khách hàng vay; Tổ chức và cá nhân khác liên quan.
Theo đó, Nghị định quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng gồm:
Thu thập, cung cấp trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng sai đối tượng, sai mục đích, bất hợp pháp.
Lợi dụng hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoạt động thu thập và sử dụng thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 4 Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định số 57/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Quản lý doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ ngày 06 tháng 8 năm 2021.
Nghị định gồm 04 Chương và 12 Điều quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Nghị định áp dụng đối với: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Việc quản lý doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được quy định như sau:
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quản lý doanh thu và thu nhập khác theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm:
Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ bao gồm doanh thu từ hoạt động quản lý thành viên; doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;
Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ bao gồm doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin; doanh thu từ dịch vụ hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán; doanh thu dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;
Doanh thu và thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con bao gồm khoản thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ tại công ty con, thu khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty con; doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
 Nghị định gồm 05 Chương và 41 Điều quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, áp dụng đối với: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công); (2) Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan; (3) Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan; (4) Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nghị định quy định về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Quy định về cử mới lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại khoản 4 Điều 9, khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 12 và khoản 4 Điều 13 Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nghị định gồm có 05 Chương và 12 Điều quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, áp dụng đối với: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Về việc cử mới lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Nghị định quy định như sau:
Chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ
Sau khi có đề nghị của Liên hợp quốc về cử lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Chính phủ. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình Chính phủ; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh về việc cử mới lực lượng; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);
Chính phủ xem xét việc trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới lực lượng;
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình của Chính phủ; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);
Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử mới lực lượng. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bản chụp ý kiến của các Thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; tài liệu khác (nếu có).

Thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 08 tháng 8 năm 2021.
Quyết định được ban hành nhằm tiếp tục kiện toàn thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.
Quyết định gồm 10 Điều quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo Quyết định, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau:
Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
Hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, ban hành và đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ;
 
Truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả;
Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi toàn quốc;
Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật;
Thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.