Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính

21/09/2020
Ngày 15 tháng 9 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 81/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước và Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo đó, Thông tư số 81/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mua lại, hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước, cụ thể:
Điều 13 về xác định giá mua lại một (01) công cụ nợ; Khoản 1 Điều 21 về xác định giá và số lượng công cụ nợ được hoán đổi, bị hoán đổi và bổ sung Khoản 4 Điều 24 như sau: Trường hợp nhà tạo lập thị trường thiếu công cụ nợ mua lại, hoán đổi do nguyên nhân khách quan, chủ thể tổ chức phát hành quyết định việc miễn trừ trách nhiệm nộp phạt cho nhà tạo lập thị trường.
Thông tư số 81/2020/TT-BTC cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể:
Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 342/2016/TT-BTC được sửa đổi như sau: Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu được hạch toán kế toán theo mệnh giá. Trường hợp có phát sinh chênh lệch giá bán trái phiếu so với mệnh giá và các khoản chiết khấu, chênh lệch mệnh giá của trái phiếu bị hoán đổi và trái phiếu được hoán đổi, chênh lệch giữa mệnh giá gốc trái phiếu được mua lại và giá mua lại, thì số chênh lệch được kế toán theo dõi trên tài khoản riêng; cuối năm, căn cứ vào số dư tài khoản riêng nói trên, trường hợp chênh lệch dương thì hạch toán vào thu của ngân sách, trường hợp chênh lệch âm được hạch toán vào chi của ngân sách.
Điểm n Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC được sửa đổi như sau: Chi trả nợ vay của ngân sách nhà nước (trừ các khoản thanh toán gốc, lãi, phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán trái phiếu Chính phủ);
Điểm a Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 342/2016/TT-BTC được sửa đổi như sau:
Chi trả nợ trái phiếu Chính phủ: Căn cứ dự toán và yêu cầu nghĩa vụ trả nợ đến hạn, Kho bạc Nhà nước thực hiện xuất quỹ ngân sách trung ương để thanh toán, đồng thời hạch toán giảm nợ vay (đối với các khoản trả nợ gốc) và hạch toán chi ngân sách trung ương (đối với các khoản trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ việc phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán trái phiếu Chính phủ) theo quy định;
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020./.