Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

21/09/2020
Ngày 17 tháng 9 năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2013/TT- BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ.

Theo Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT thì phương tiện cơ giới thương mại (sau đây gọi tắt là xe thương mại): là xe ô tô dùng để kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông trên đường bộ có giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.
Phương tiện cơ giới phi thương mại (sau đây gọi tắt là xe phi thương mại): là xe ô tô của tổ chức, cá nhân có giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp hoạt động qua lại biên giới giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam không vì mục đích kinh doanh vận tải, bao gồm: Xe công vụ của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương và địa phương, phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. Xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước và quốc tế đi công tác, tham quan, du lịch; Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo; Xe ô tô chở người (dưới 09 chỗ) hoặc xe bán tải (pick up) thuộc quyền sở hữu của cá nhân đi với mục đích cá nhân; Xe ô tô, xe ô tô đầu kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô và xe máy chuyên dùng thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận chuyển phục vụ các công trình, dự án hoặc chương trình công tác của đơn vị mình trên lãnh thổ Campuchia, Lào.
Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT cũng quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi Giấy phép liên vận CLV đối với phương tiện khi vi phạm một trong các trường hợp sau: Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép liên vận CLV hoặc có Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu do vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép liên vận CLV không hoạt động vận tải liên vận CLV; Trong thời gian 06 tháng liên tục không hoạt động vận tải liên vận CLV từ 03 chuyến trở lên (chuyến được tính là cả lượt xe đi và về); Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động vận tải liên vận CLV theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Thông tư này.
Trình tự thu hồi Giấy phép liên vận CLV cũng được bổ sung tại Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT như sau: Cơ quan cấp Giấy phép liên vận ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép liên vận CLV và thông báo đến cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện; Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp lại Giấy phép cho cơ quan cấp Giấy phép liên vận CLV và dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải CLV ngay khi Quyết định thu hồi có hiệu lực.
Về trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sửa đổi như sau: Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Giao thông vận tải) có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình hình hoạt động vận tải liên vận Campuchia - Lào - Việt Nam, chi tiết báo cáo như sau: Tên báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt động vận tải giữa các nước Campuchia - Lào - Việt Nam; Nội dung yêu cầu báo cáo: kết quả hoạt động vận tải giữa các nước Campuchia - Lào - Việt Nam theo mẫu đề cương quy định; Phương thức gửi, nhận báo cáo: gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương thức điện tử hoặc phương thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật; Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ hàng năm; Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 20 tháng 01 của năm tiếp theo; Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; Mẫu đề cương báo cáo: theo Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư cũng bổ sung quy định Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải liên vận Campuchia - Lào - Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải về tình hình hoạt động vận tải liên vận Campuchia - Lào - Việt Nam của đơn vị, chi tiết báo cáo như sau: Tên báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách giữa các nước Campuchia - Lào - Việt Nam; Nội dung yêu cầu báo cáo: kết quả hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách giữa các nước Campuchia - Lào - Việt Nam theo mẫu đề cương quy định tại điểm g khoản này; Phương thức gửi, nhận báo cáo: gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương thức điện tử hoặc phương thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật; Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ 06 tháng; Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 10 tháng 7 của kỳ báo cáo đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo đối với báo cáo định kỳ 06 tháng cuối năm; Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 06 của kỳ báo cáo đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và từ ngày 01 tháng 07 đến ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo đối với báo cáo định kỳ 06 tháng cuối năm; Mẫu đề cương báo cáo: theo Phụ lục XI, XII ban hành kèm theo Thông tư này.
Ngoài ra, Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT cũng bổ sung các Phụ lục XI, XII, XIII vào Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tương ứng với Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Thông tư này.
Đồng thời, Thông tư cũng bãi bỏ khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.