Luật thanh niên (sửa đổi) năm 2020: Tháng 3 là Tháng Thanh niên

30/06/2020
Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) ngày 16/6/2020 tại kỳ họp thứ 9 nhằm tiếp tục hoàn thiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức thanh niên để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Thanh niên (sửa đổi) năm 2020 gồm có 7 chương và 41 điều; tăng 1 Chương 5 điều so với Luật năm 2005 bổ sung một số nội dung mới, trong đó Điều 9 quy định rõ tháng 3 là Tháng Thanh niên, cụ thể: “Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên”  Năm 2003, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3). Việc tổ chức Tháng Thanh niên nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của thanh niên, trách nhiệm của toàn xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên, Điều 10 của Luật bổ sung quy định về đối thoại thanh niên theo tinh thần định kỳ người đứng đầu chính quyền các cấp có trách nhiệm trực tiếp đối thoại với thanh niên nhằm giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật này.
Một nội dung mới nữa của Luật thanh niên năm 2020 so với Luật thanh niên 2005 là không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Nếu Luật thanh niên năm 2005 dành một Chương II với 8 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, thì cũng tại Chương II Luật thanh niên năm 2020 thay đổi thành trách nhiệm của thanh niên chỉ với 4 Điều từ Điều 12 đến Điều 15: Trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với Nhà nước và xã hội, đối với gia đình và đối với bản thân.
Luật Thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên nhưng lại gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên, do vậy nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được triển khai có hiệu quả. Do đó, để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một Chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành. Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên, trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học, chính sách về lao động, việc làm, chính sách về khởi nghiệp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao có khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, Luật thanh niên năm 2020 quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp sáng tạo; chăm sóc, nâng cao sức khỏe để phát triển cả thể chất và tinh thần; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; chính sách bảo vệ tổ quốc; chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng; chính sách cho người dân tộc thiểu số; Chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 Chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên với mục đích tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Quản lý nhà nước, Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên.
Có thể nói, Luật thanh niên năm 2020 đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.