Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng

08/01/2008
Ngày 04 tháng 01 năm 2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật công chứng như chế độ tài chính, con dấu của Phòng công chứng, con dấu của Văn phòng công chứng; quản lý việc tổ chức, đào tạo nghề công chứng; việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương; địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất của Văn phòng công chứng; phí công chứng.

Về chế độ tài chính, con dấu của Phòng công chứng, con dấu của Văn phòng công chứng 

Phòng công chứng thực hiện chế độ tài chính theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và của Nghị định này. 

Phòng công chứng và Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Đối với những những Phòng công chứng đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 được khắc và sử dụng con dấu theo quy định của Nghị định này sau khi có quyết định chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp. Phòng công chứng được thành lập mới, được khắc và sử dụng con dấu sau khi có Quyết định thành lập. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. 

Về quản lý việc tổ chức, đào tạo nghề công chứng 

Ngoài Học viện tư pháp, các cơ sở đào tạo khác được đào tạo nghề công chứng nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định. 

Về quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương 

Sở Tư pháp trong việc giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về công chứng thực hiện xây dựng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương; tiếp nhận, xem xét, kiểm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép thành lập; tham mưu các biên pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. 

Về địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất của Văn phòng công chứng 

Văn phòng công chứng phải có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể và bảo đảm về diện tích làm việc cho công chứng viên, nhân viên, tiếp người yêu cầu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng. Trường hợp trụ sở là nhà thuê, mượn thì ngoài đáp ứng các yêu cầu này còn phải có thời gian thuê, mượn từ ba năm trở lên (thể hiện bằng Hợp đồng thuê, mượn nhà). 

Về phí công chứng 

Phòng công chứng và Văn phòng công chứng áp dụng thống nhất mức thu phí công chứng. 

Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn về điều kiện hành nghề công chứng đối với luật sư được bổ nhiệm công chứng viên và thủ tục bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc có nguyện vọng thôi việc. 

       An Phương Huệ