Việc thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, kịp thời và đầy đủ

04/01/2008
Chính phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về đối tượng áp dụng, quyền và trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN); các chế độ BHXHTN; Quỹ BHXHTN; thủ tục thực hiện BHXHTN; khiếu nại, tố cáo về BHXHTN và quản lý nhà nước về BHXHTN.
 

BHXHTN được thực hiện trên cơ sở tự nguyện

Theo quy định, các chế độ BHXHTN gồm hưu trí, tử tuất áp dụng cho 6 đối tượng tham gia, các đối tượng này phải là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

BHXHTN thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXHTN được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Mức đóng này tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXHTN được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng cả hai loại bảo hiểm nói trên.

Người tham gia BHXHTN được cấp sổ BHXH, hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu và được phép ủy quyền cho người khác nhận lương hưu và trợ cấp BHXHTN.

Quy định rõ ràng, phù hợp với thực tế điều kiện để hưởng các chế độ BHXHTN

Người tham gia BHXHTN là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần có nhu cầu tham gia BHXHTN thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm.

Mức lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXHTN và đủ điều kiện hưởng lương hưu nói trên được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức lương tối đa là 75%.

Khi tính mức lương hưu hằng tháng đối với người có thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ từ 20 năm trở lên, mà mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

Người tham gia BHXHTN được hưởng BHXH một lần khi đối tượng là: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có dưới 15 năm đóng BHXH (hoặc có đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục đóng nữa); chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục đóng nữa và có yêu cầu nhận BHXH một lần; người tham gia BHXH ra nước ngoài định cư.

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công,  thu nhập tháng đóng BHXH.

Cũng theo Nghị định mới này, người đang hưởng lương hưu bị chết thì trợ cấp tuất một lần có mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng trước khi chết. Mức trợ cấp tử tuất cao nhất cho thân nhân của người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong hai tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng, nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

(Theo website Chính phủ)