Nội dung cơ bản Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá

10/04/2008
Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá (SPHH) được Quốc hội khoá XI thông qua và có hiệu từ ngày 01.7.2008. Luật có 7 chương, 72 điều.

Theo đó, Luật chất lượng SPHH là đạo luật đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh SPHH và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng SPHH; quản lý chất lượng SPHH. Luật áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh SPHH và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng SPHH tại Việt Nam.

Theo Luật, sản phẩm (kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng), hàng hoá (sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị) đều được quản lý chất lượng theo các nguyên tắc trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. SPHH không có khả năng gây mất an toàn được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn của hàng hoá, chất lượng mà người sản xuất SPHH đó công bố áp dụng. SPHH có khả năng gây mất an toàn được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Luật quy định người sản xuất có quyền quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp; được quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm chất lượng sản phẩm; được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá....Đồng thời, người sản xuất có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; nghĩa vụ thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài xuất kèm theo hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá, thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, phải cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng...Ngoài ra, Người nhập khẩu có quyền quyết định lựa chọn mức chất lượng của hàng hoá do mình nhập khẩu; …và có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hoá nhập khẩu, chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hoá. Người bán hàng có các quyền như quyết định cách thức kiểm tra chất lượng hàng hoá, …và có các nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá. Người tiêu dùng có các quyền được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hoá; được cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hoá, khả năng gây mất an toàn của hàng hoá và cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu; yêu cầu người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật; được bồi thường thiệt hại...

Luật còn quy định cụ thể về quản lý chất lượng SPHH trong các khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Chất lượng SPHH được quản lý thông qua các biện pháp như: Công bố tiêu chuẩn áp dụng; Công bố sự phù hợp; Đánh giá sự phù hợp thông qua các hình thức như thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; kiểm định… Ngoài ra, Luật còn quy định kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước về chất lượng SPHH; quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng SPHH.

Nguyễn Huỳnh Huyện