Ngày 26/3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trong lần sửa này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề đã được làm rõ và thực sự bức xúc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sẽ được tiến hành khi nghiên cứu, xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính vào năm 2009.
Theo đó, thường trực Uỷ ban Pháp luật và Ban Soạn thảo nhất trí đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hơn 30 điều được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, trong đó có việc mở rộng đối tượng phải chịu mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng, quy định các trường hợp được miễn chấp hành quyết định xử phạt hoặc giảm một phần tiền phạt và việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết. Đặc biệt, tại lần sửa Pháp lệnh này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí để các lực lượng chức năng được sử dụng camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chứng cứ thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được thể hiện trong biên bản vi phạm hành chính.
Cũng tại phiên họp chiều qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết không đưa quy định về phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính vào Pháp lệnh sửa đổi lần này. Ngoài ra, việc lập Quỹ hỗ trợ phòng, chống vi phạm hành chính cũng không nhận được sự đồng tình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2008. Kể từ ngày đó, những quy định về xử lý vi phạm hành chính trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ.
Hồng Thuý