Bộ Tư pháp lấy ý kiến Dự thảo Luật Thi hành án dân sự: Để luật có tính khả thi

24/03/2008
Dự thảo Luật thi hành án dân sự (THADS) là một trong những văn bản có liên quan trực tiếp đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, sau nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia và những người làm công tác THADS, Ban Soạn thảo đã hoàn chỉnh Dự thảo 10 Luật THADS (có 9 chương, 207 điều) để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến này sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo để các quy định của Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn sau khi được ban hành.

Thời hiệu yêu cầu THA: 5 năm

Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật THADS đã thống nhất qui định thời hiệu yêu cầu THA, theo đó, nếu hết thời hạn qui định mà người có quyền không yêu cầu thì mất quyền yêu cầu, còn bản án thì vẫn có hiệu lực thi hành. Để đảm bảo cho hiệu quả của việc THA, Khoản 1 Điều 32 của Dự thảo qui định: “Trong thời hạn năm năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”. Thời hạn này đã được qui định dài hơn so với Pháp lệnh THADS 2004 (qui định thời hiệu yêu cầu THA là 3 năm) để phù hợp với thực tiễn của việc THA.

Người được THA có nghĩa vụ xác minh điều kiện THA

Nghĩa vụ xác minh điều kiện THA là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật THADS. Tại dự thảo 10, nghĩa vụ xác minh điều kiện THA được qui định thuộc CHV “trong trường hợp chủ động THA” và thuộc về người được THA “trong trường hợp THA theo đơn yêu cầu”. Qui định này xuất phát từ quan điểm THADS trước hết là việc của người dân nên cần phải có qui định về trách nhiệm của người dân trong vấn đề này. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế của Việt Nam trong việc xác định quyền sở hữu rất phức tạp nên trong trường hợp người được THA “đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh” (Khoản 2 Điều 46).

Khám người, khám nơi cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện: phải có biên bản

Căn cứ vào trách nhiệm chính của CHV và cơ quan THADS là bắt buộc người có nghĩa vụ THA phải thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, khi có căn cứ cho rằng người có nghĩa vụ THA cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện có giá trị để THA, Thủ trưởng cơ quan THA “có quyền quyết định khám người đối với người phải thi hành án hoặc người thứ ba đang giữ đồ vật, tài liệu, phương tiện” hoặc Chấp hành viên đang thi hành công vụ có quyền thực hiện ngay việc khám người “trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện dùng để thi hành án có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ” (Khoản 2 Điều 47).

Tương tự, Điều 48 của Dự thảo qui định về việc khám nơi cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện của người phải THA. Trong trường hợp nơi cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện trước khi tiến hành; không được khám nơi cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Theo quy định tại khoản 5 Điều 47 và khoản 5 Điều 48 của Dự thảo, mọi trường hợp khám người, khám nơi cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện đều phải lập thành biên bản và giao cho người bị khám, người chủ nơi bị khám một bản.

Qui định này sẽ góp phần lấp lỗ hổng lớn trong pháp luật THADS hiện nay để tránh tình trạng người phải THA chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm khi thực tế có tài sản để THA.

Nhà nước khuyến khích xã hội hoá hoạt động THA

Chủ trương xã hội hoá hoạt động THA là cần thiết và đúng đắn để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước trong công tác THA. Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả trong thực tiễn, cần phải có lộ trình thích hợp, trên cơ sở thí điểm, sơ kết, tổng kết để đánh giá khả năng và hiệu quả thực hiện xã hội hoá công tác THA. Do đó, khoản 1 Điều 14 Dự thảo 10 Luật THADS qui định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hoá trong hoạt động THA”. Theo chủ trương này, khoản 2 Điều 14 Dự thảo qui định: “cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được cấp giấy phép hành nghề THA”. Người được cấp giấy phép hành nghề được thành lập hoặc tham gia tổ chức hành nghề THA “để tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc THA theo uỷ quyền của Chấp hành viên, cơ quan THA”. Và để người được cấp giấy phép hành nghề THA có thể thực hiện việc THA, dự thảo 10 qui định cho họ “có nghĩa vụ và có một số quyền hạn của Chấp hành viên theo quy định của Luật này”.

Ngoài ra, dự thảo 10 đã được xây dựng với những qui định chi tiết về thủ tục THA; các biện pháp cưỡng chế THA; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THA; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động THA; tổ chức cơ quan THA; quyền hạn, trách nhiệm của chấp hành viên; nhiều việc chấp hành viên không được làm; quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA, người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… Toàn văn dự thảo 10 Luật THADS được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (địa chỉ www.moj.gov.vn)

Dự án Luật THADS đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XII (2007-2011) và năm 2008, với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến vào tháng 5) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến vào tháng 10)./.

Hương Giang