Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam

07/09/2015
Ngày 31/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2015/TT-BTC về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam.
Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi tắt là DATC) được chuyển đổi từ Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp theo Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân
DATC tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và Điều lệ này.
DATC có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo các quy định của pháp luật có liên quan.
DATC có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác bằng toàn bộ tài sản của mình.
DATC là doanh nghiệp hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ-TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Về mục tiêu hoạt động: Hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước; Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các doanh nghiệp khác; Hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.
Ngành nghề kinh doanh chính của DATC thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó tập trung chủ yếu vào các hoạt động sau: Mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ); Tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước; Mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính gồm: Tư vấn xử lý nợ, tài sản; Tư vấn mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; Quản lý, xử lý, khai thác tài sản đảm bảo khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ); Thực hiện các hoạt động thẩm định giá, đấu giá trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; Dịch vụ quản lý nợ và thu nợ; Kinh doanh những ngành nghề khác hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính theo quy định của pháp luật.
Vốn điều lệ của DATC là 6.000 tỷ đồng (Sáu nghìn tỷ đồng). Việc điều chỉnh vốn điều lệ của DATC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khi có sự thay đổi vốn điều lệ, DATC phải điều chỉnh vốn điều lệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và công bố thông tin theo quy định.
Nhà nước là chủ sở hữu của DATC. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với DATC. Bộ Tài chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ. Hội đồng thành viên DATC là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại DATC và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn góp của DATC.
Hoạt động mua nợ và tài sản
DATC được mua các khoản nợ, tài sản mà chủ nợ, chủ tài sản có nhu cầu bán (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ, nợ nước ngoài, hối phiếu, trái phiếu, bao gồm cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành).
Hình thức mua nợ và tài sản: Thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản; Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản; Thực hiện mua theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên tắc trong hoạt động mua nợ và tài sản:
Đối với hoạt động mua nợ, tài sản để kinh doanh: Phương án mua nợ, tài sản phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, có phương án thu hồi vốn khả thi, bảo toàn và phát triển vốn. Giá mua nợ, tài sản do DATC xác định trên nguyên tắc đảm bảo khả năng sinh lời của phương án mua nợ, tài sản; Nợ và tài sản có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền chủ nợ, quyền chủ sở hữu tài sản; Việc mua nợ, tài sản chỉ thực hiện khi có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy trình do Hội đồng thành viên DATC ban hành; Việc mua nợ, tài sản có thể thực hiện cho từng khoản nợ, tài sản hay theo nhóm gồm nhiều khoản nợ, tài sản khác nhau của cùng một chủ nợ, chủ tài sản hoặc của nhiều chủ nợ, chủ tài sản; Người quyết định mua nợ, tài sản và những người có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và thực hiện phương án phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của phương án mua nợ, tài sản đã được duyệt.
Đối với hoạt động mua nợ, tài sản theo chỉ định: DATC có trách nhiệm xây dựng phương án mua nợ, tài sản theo quy định tại Điều lệ này và đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. DATC sử dụng nguồn vốn kinh doanh hoặc nguồn vốn do nhà nước cấp theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phương án mua nợ, tài sản theo chỉ định.
Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015.