Hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động

08/08/2015
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Việc làm.

Các nội dung thu thập về người lao động gồm: Nhân khẩu học gồm các thông tin về họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc; Trình độ giáo dục phổ thông; Trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo; Đối với người có việc làm thu thập các thông tin về vị thế việc làm, công việc đang làm, nơi làm việc, loại hình kinh tế; Đối với người thất nghiệp thu thập các thông tin đã từng làm việc hoặc chưa bao giờ làm việc, thời gian thất nghiệp…

Thời điểm thu thập thông tin là ngày 01 tháng 7 hằng năm và thời gian thu thập thông tin   trong vòng 30 ngày.

Phương thức thực hiện thu thập về người lao động

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện thu thập thông tin ban đầu, cập nhật thông tin biến động của người lao động có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo quy định theo thôn, bản, ấp, tổ dân phố và tương đương vào sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần Cung lao động ban hành kèm theo Thông tư này từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 hằng năm; Nhận và bàn giao sổ Cung lao động phục vụ việc thu thập, nhập thông tin Cung lao động theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc thu thập thông tin ban đầu, cập nhật thông tin biến động của người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin Cung lao động của địa phương; Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu thập thông tin của người lao động; Tổ chức nhập và quản lý thông tin ban đầu, thông tin biến động của người lao động vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động của địa phương; Chuyển tải dữ liệu Cung lao động của địa phương vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động Quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 9 hằng năm.

Thông tư cũng quy định nội dung thu thập đối với người sử dụng lao động gồm: Thông tin định danh gồm tên, địa chỉ, loại hình và mã số của người sử dụng lao động; Ngành, nghề kinh doanh chính; Tiền lương; Số lượng lao động đang làm việc theo giới tính, loại lao động, hợp đồng lao động, vị trí việc làm, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật Số lao động có nhu cầu tuyển theo trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Phương thức thực hiện thu thập đối với người sử dụng lao động

Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức Ghi chép thông tin ban đầu, cập nhật thông tin biến động của người sử dụng lao động có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương quy định tại các Điều 8, 9 và 10 vào sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần Cầu lao động ban hành kèm theo Thông tư này từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 7 hằng năm; Nhận và bàn giao sổ Cầu lao động phục vụ việc thu thập, nhập thông tin Cầu lao động theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức Xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin Cầu lao động của địa phương; Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập thông tin của người sử dụng lao động; Tổ chức nhập và quản lý thông tin ban đầu, thông tin biến động của người sử dụng lao động vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động của địa phương; Chuyển tải dữ liệu Cầu lao động của địa phương vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động Quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 9 hằng năm.

Nội dung thu thập đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Thông tin cá nhân gồm họ và tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính, hộ chiếu; Giấy phép lao động;  Việc làm đang làm gồm các thông tin về vị trí việc làm, mức lương trung bình.

Nội dung thu thập về người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Nhân khẩu học gồm các thông tin về họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quê quán, hộ chiếu; Việc làm tại nước ngoài gồm các thông tin về thời hạn hợp đồng, thời gian xuất cảnh, ngành nghề, địa chỉ làm việc; Thời gian về nước, nguyên nhân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015. Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.