Hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận

02/08/2015
Liên Bộ Thông tin và Truyền thông – Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC ngày 17 tháng 07 năm 2015 hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận.

Thông tư quy định, bưu gửi được xác định là không có người nhận nếu thuộc một trong các trường hợp như: Bưu gửi mà người nhận từ chối nhận và người gửi cũng từ chối nhận lại; Bưu gửi không phát được cho người nhận và không hoàn trả được cho người gửi quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 17 Luật bưu chính sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày bưu gửi được chấp nhận, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này. Thời hạn này bao gồm thời gian công khai thông tin quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Doanh nghiệp công khai thông tin về bưu gửi không phát được tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh, thành phố và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp (nếu có) trong thời hạn tối thiểu 03 tháng. Thông tin công khai bao gồm các nội dung chính sau đây: Số hiệu bưu gửi (nếu có); Ngày chấp nhận bưu gửi (dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian chấp nhận bưu gửi là căn cứ xác định ngày chấp nhận); Bưu cục chấp nhận bưu gửi; Họ tên địa chỉ người gửi, người nhận; Trọng lượng của bưu gửi (nếu có); Lý do không phát được, không hoàn trả được; Ngày hết hạn công khai thông tin và các thông tin liên quan đến việc nhận lại bưu gửi.

Về nguyên tắc xử lý, Thông tư quy định như sau: Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện thông qua Hội đồng xử lý bưu gửi không có người nhận do doanh nghiệp quyết định thành lập; Hội đồng xử lý trên cơ sở danh sách bưu gửi không có người nhận do doanh nghiệp lập theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp phát hiện vật phẩm, hàng hóa trong bưu gửi không phát được bị hỏng do đặc tính tự nhiên gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường thì doanh nghiệp lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục 5) và quyết định tiêu hủy vật phẩm, hàng hóa này mà không bắt buộc phải thông qua Hội đồng. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về quyết định tiêu hủy; Việc xử lý bưu gửi không có người nhận phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên liên quan theo mẫu tại Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, Thông tư này.

Cụ thể,  Thông tư quy định việc xử lý bưu gửi không có người nhận như sau:

- Khi mở bưu gửi không có người nhận, nếu phát hiện thấy địa chỉ hoặc các thông tin, chỉ dẫn liên quan đến người gửi hoặc người nhận thì Hội đồng bàn giao bưu gửi cho doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục 2) để phát lại cho người sử dụng dịch vụ. Trường hợp không phát lại được thì Hội đồng quyết định hình thức xử lý.

- Trường hợp phát hiện trong bưu gửi không có người nhận có chứa vật phẩm, hàng hóa bị cấm theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 và tại Điều 12 Luật bưu chính thì Hội đồng lập biên bản bàn giao cho doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục 3) để doanh nghiệp thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

- Bưu gửi không có người nhận được xử lý theo các hình thức như: Bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan bản chính các giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (theo mẫu tại Phụ lục 4); Trước khi thực hiện bàn giao, doanh nghiệp gửi văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đề nghị tiếp nhận hoặc hỗ trợ xử lý bản chính các giấy tờ này. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan từ chối tiếp nhận hoặc không có ý kiến trả lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp gửi văn bản thì doanh nghiệp quyết định cho tiêu hủy; Giao cho doanh nghiệp tiền có giá trị lưu hành trong bưu gửi không có người nhận để hạch toán theo quy định của pháp luật (theo mẫu tại Phụ lục 3); Giao cho doanh nghiệp các vật phẩm, hàng hóa trong bưu gửi không có người nhận để bán, tiêu hủy, làm từ thiện hoặc xử lý theo hình thức khác (theo mẫu tại Phụ lục 3).

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2015. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 03/2004/TTLT-BBCVT-BTC ngày 29/11/2004 của Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.