Quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải

25/07/2015
Ngày 24 tháng 7 năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
 

Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải trong các trường hợp như: Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam; Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển, vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam; vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong trường hợp tai nạn đó có liên quan đến tàu thuyền Việt Nam, các công trình, thiết bị ngoài khơi của Việt Nam hoặc gây ô nhiễm môi trường. Các quy định của Thông tư này cũng được áp dụng để điều tra tai nạn xảy ra đối với tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ trong các vùng nước cảng biển Việt Nam và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB trên vùng biển Việt Nam.

Thông tư quy định, báo cáo tai nạn hàng hải bao gồm Báo cáo khẩn, Báo cáo chi tiết, Báo cáo định kỳ theo quy định tại các Phụ lục 1,2 và 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung Báo cáo tai nạn hàng hải phải trung thực, chính xác, đúng thời hạn.

Báo cáo khẩn được thực hiện trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước càng biển và vùng biển Việt Nam, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất. Trường hợp những người này không thực hiện được Báo cáo khẩn thì chủ tàu hoặc đại lý tàu biển liên quan đến tai nạn có trách nhiệm báo cáo.

Tiếp theo Báo cáo khẩn, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi Báo cáo chi tiết theo thời hạn quy định tại Thông tư này. Cụ thể, trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng nội thủy của Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cảng vụ hàng hải tại khu vực đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tai nạn xảy ra. Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này, sau khi xảy ra tai nạn, tàu vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cảng vụ hàng hải tại khu vực đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tàu vào neo đậu tại vị trí được chỉ định, trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, tàu không vào neo đầu tại vùng nước càng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tàu hoặc thuyền viên của tàu bị nạn đến càng ghé đầu tiên. …

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định mục đích, yêu cầu điều tra tai nạn hàng hải như sau: Điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải nhằm có những biễn pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự; điều tra tai nạn hàng hải không xác định trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý của các bên; tai nạn hàng hải phải được điều tra đúng quy định kịp thời, toàn diện và khách quan.

Các trường hợp điều tra gồm tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng phải được điều tra và các tai nạn hàng hải khác có thể được điều tra hay không điều tra do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định, trường hợp không điều tra, Cảng vụ hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.

Đối với các tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng biển Việt Nam thì thời hạn điều tra không quá 60 ngày làm việc, kể từ ngày tai nạn hàng hải xảy ra. Trong trường hợp phức tạp, nếu việc điều tra tai nạn hàng hải không thể hoàn thành theo thời hạn quy định, trên cơ sở đề xuất của Tổ trưởng Tổ điều tra tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải kịp thời báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định gia hạn thời gian điều tra tai nạn hàng hải.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015 và thay thế Thông tư số 27/2012/TT-GTVT ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.