Tập trung xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng

06/08/2015
Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết vững chắc, số lượng dự án luật, pháp lệnh xin lùi tiến độ trình Chính phủ còn nhiều, trước tình trạng đó, Nghị quyết 56/NQ-CP ngày 05/8/2015 của Chính phủ đã yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng.

Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm

Về cơ bản tình hình xây dựng luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Phần lớn các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 đã được soạn thảo, trình Chính phủ trong 6 tháng đầu năm; một số dự án luật quan trọng, phức tạp đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản để xử lý kịp thời những vướng mắc, định hướng cho việc nghiên cứu, soạn thảo, về cơ bản, các dự án luật, pháp lệnh đã được trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng, thời hạn trình có tiến bộ. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, số lượng dự án luật, pháp lệnh xin lùi tiến độ trình Chính phủ còn nhiều. Một số dự án luật chuẩn bị chưa tốt, phải xin rút ra khỏi Chương trình hoặc xin lùi thời hạn trình Quốc hội. Chất lượng chuẩn bị một số dự án luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 còn hạn chế. Vẫn chưa khắc phục được tình trạng chung là các dự án luật, pháp lệnh không được trình Chính phủ đúng thời hạn theo Quy chế làm việc của Chính phủ, gây nhiều khó khăn cho việc chuẩn bị phiên họp Chính phủ.

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết vững chắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội. Đến nay vẫn còn số lượng rất lớn văn bản quy định chi tiết, nhất là thông tư và thông tư liên tịch, chưa được ban hành đúng tiến độ để có hiệu lực thi hành cùng với luật, pháp lệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, trong một số trường hợp tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quan tâm, tập trung chỉ đạo sâu sát việc nghiên cứu, soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh được phân công thuộc Chương trình 6 tháng cuối năm 2015, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được phân công, trước mắt tập trung xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành mình trước ngày 15 tháng 9 năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Về một số dự án luật cụ thể

Đối với một số dự án Luật do Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chủ trì soạn thảo như: Luật tiếp cận thông tin, Luật ban hành quyết định hành chính, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật do Bộ Tư pháp trình. Đồng thời, giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội. Đối với dự án Luật đấu giá tài sản sẽ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội về dự án Luật.

Về dự án Luật quy hoạch: Để có đầy đủ cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật quy hoạch và bảo đảm tính khả thi của Luật này, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá những việc đã làm được và những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch trong thời gian qua, trong đó tập trung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản và quy hoạch sản phẩm…