Những nội dung cơ bản của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP

19/02/2013
Ngày 05/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Nghị định số 14/2013/NĐ-CP). Việc ban hành Nghị định sẽ khắc phục một số bất cập, hạn chế từ góc độ thể chế và thực tiễn sau hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.

Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 16 Điều Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, bao gồm những nội dung chính sau đây:

- Về người được trợ giúp pháp lý được mở rộng hơn (người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật; nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người…);

- Về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc Trung tâm được sửa đổi theo hướng bỏ ba năm làm công tác trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Nhà nước;

- Về bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được sửa đổi theo hướng nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, bảo đảm Trợ giúp viên pháp lý có trình độ đào tạo nghiệp vụ tương đương luật sư, cụ thể:

"Người có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc trong Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Người đã từng là luật sư theo quy định của Luật Luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư, đang làm việc trong Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được cử tham dự kiểm tra bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thì được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật."

- Về chế độ, chính sách đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý được tăng thêm nhằm khuyến khích, động viên, thu hút đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, "dưỡng liêm", cụ thể: khi tham gia tố tụng, thực hiện đại diện ngoài tố tụng, hoà giải, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên; mức bồi dưỡng được trả cho cộng tác viên là 0,2 mức lương tối thiểu/01 ngày làm việc của cộng tác viên trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng;

- Về trang phục của Trợ giúp viên pháp lý: Nghị định quy định Trợ giúp viên pháp lý có trang phục riêng để người dân dễ nhận diện được Trợ giúp viên pháp lý, tạo sự tin tưởng của người dân khi tiếp xúc với Trợ giúp viên pháp lý để trình bày vụ việc cần trợ giúp pháp lý và bảo đảm tính nghiêm trang, chuyên nghiệp, tương xứng với vị thế của Trợ giúp viên pháp lý là một bên tranh tụng tại phiên toà (hiện nay người tiến hành tố tụng và luật sư đều có trang phục riêng).

- Về kiến nghị thi hành pháp luật: Nghị định quy định khi có đủ căn cứ cho rằng đã quá thời hạn quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không giải quyết vụ việc hoặc không tiếp nhận giải quyết vụ việc thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Quy định trên sẽ phát huy được tác dụng của trợ giúp pháp lý trong việc phòng ngừa, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, điều chỉnh đầy đủ các trường hợp cấp thiết thực hiện kiến nghị vụ việc trợ giúp pháp lý.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Cục Trợ giúp pháp lý