Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ

15/08/2012
Ngày 13/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy định về căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ, áp dụng đối với các nạn nhân của các hành vi mua bán người, người thân thích của nạn nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định nạn nhân và bảo vệ cho nạn nhân, người thân thích của họ.

Theo Nghị định này, nạn nhân, người thân thích của họ có quyền: Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại; Từ chối các biện pháp bảo vệ do cơ quan, người có thẩm quyền  áp dụng.

Đồng thời nạn nhân, người thân thích của họ có nghĩa vụ: Chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ khi được bảo vệ; tự chịu trách nhiệm về an  toàn của bản thân khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Cũng theo Nghị định, một người được xác định là nạn nhân khi họ là đối tượng của một trong những hành vi sau: Mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận để ép buộc bán dâm, ép buộc làm đối tượng sản xuất băng, đĩa hình, sách, tranh, ảnh, lịch và những hình thức khác có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm, ép buộc biểu diễn cho người khác xem thân thể mình với mục đích kích động tình dục, làm nô nệ tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp, ép buộc đi ăn xin, ép buộc làm vợ chồng, ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ, ép buộc thực hiền các hành vi vi phạm pháp luật, và vì mục đích vô nhân đạo khác; các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi  trên hoặc vì các mục đích vô nhân đạo khác.

Tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện thực tế, các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ sau để bảo đảm an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ: Giữ bí mật về cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ; giữ bí mật các thông  tin về đời tư, đặc điểm nhận dạng, nơi cư trú, làm việc học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ; bố trí lực lượng bảo vệ tại  nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ; bố trí nơi tạm lánh, nơi làm việc, nơi học tập mới cho người được bảo vệ; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2012.

Tô Hoàng