Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

09/08/2012
Ngày 30/7/2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý (TGPL) của Trung tâm TGPL nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư) thay thế Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ngày 13/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế cộng tác viên TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước (Quy chế).

Việc ban hành Quy chế đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động của cộng tác viên TGPL và thu hút được nhiều luật gia, luật sư và chuyên viên pháp lý tham gia làm cộng tác viên. Tuy nhiên, sau hơn 04 năm thực hiện, Quy chế này cũng đã bộc lộ một số bất cập, đồng thời theo Mục 5 Phần I Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 52/NQ-CP) và Điều 2 Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, TGPL, luật sư, tư vấn pháp luật đã quy định một số nội dung về công nhận và cấp thẻ cộng tác viên (sau đây viết tắt là Nghị định số 05/2012/NĐ-CP) cũng đã xác định một số thủ tục hành chính liên quan đến cộng tác viên TGPL cần được hướng dẫn, sửa đổi cho phù hợp.

Về cơ bản, Thông tư giữ nguyên cơ cấu của Quy chế, bao gồm 6 Chương, 21 Điều. Tuy nhiên, Chương VI: Khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và điều khoản thi hành (từ Điều 18 đến Điều 21) của Quy chế được cơ cấu lại và thay thế bởi Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 19 đến Điều 21) trong Thông tư.

Thông tư chứa đựng các quy định thuận lợi nhằm mục tiêu thu hút được nhiều chuyên gia pháp lý làm cộng tác viên TGPL; khắc phục các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức và hoạt động cộng tác viên TGPL, thực hiện xã hội hóa hoạt động TGPL.

Thu Phong