Ngày 23/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2012 và thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BTP. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có 5 Chương, 20 Điều, quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có những điểm mới cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của các cơ quan này trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng được quy định cụ thể ở các điều, khoản trong Nghị định. Theo quy định của Nghị định, các cơ quan chuyên môn, công chức chuyên môn có thể căn cứ vào các quy định của Nghị định để tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi địa phương, qua đó khắc phục tình trạng các cơ quan chuyên môn cấp huyện, công chức chuyên môn cấp xã phải chờ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản hướng dẫn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện công tác này trong phạm vi cả nước.
Thứ hai, về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định “Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân” là một trong năm nguyên tắc cơ bản trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Sự tham gia của tổ chức, cá nhân không chỉ được quy định tại Điều 4 của Nghị định mà còn được cụ thể hoá ở nhiều điều, khoản trong Nghị định, chẳng hạn như quy định tại Điều 6 về “Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật”, Điều 11 về “Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật”…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể hơn cách thức phối hợp giữa các cơ quan nhà nước (giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực cấp trên và các cơ quan có thẩm quyền chung cấp dưới; giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, HĐND), giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có liên quan).
Thứ ba, về kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong năm 2010 và 2011, mặc dù Thông tư số 03/2010/TT-BTP không quy định giới hạn về phạm vi theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhưng để tránh việc theo dõi dàn trải trên nhiều lĩnh vực và thiếu tính hiệu quả, nhiều cơ quan đã chủ động hoặc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chính vì vậy, quy định này cho phép các cơ quan có cơ sở để xác định và gom phạm vi theo dõi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Thứ tư, về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đây không phải là nội dung hoàn toàn mới của Nghị định. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Thông tư số 03/2010/TT-BTP, nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được sửa đổi theo hướng loại bỏ các quy định còn chung chung, không phù hợp, thiếu tính khả thi và bổ sung các tiêu chí rõ ràng, bảo đảm tính khả thi cho việc đánh giá nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể là, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định 3 nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đó là Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật; Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và Tình hình tuân thủ pháp luật. Mỗi nội dung đều có 3 nhóm tiêu chí đánh giá cụ thể, trong đó, tiêu chí “Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền” và tiêu chí “Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền” là các tiêu chí rất quan trọng để đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thi hành pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, theo quy định của Nghị định, các tiêu chí này sẽ tiếp tục được “lượng hoá” bằng các chỉ tiêu thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với các thông tin đầu vào thu thập được qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Thứ năm, về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề bức xúc mà thực tiễn thi hành pháp luật đặt ra trong thi hành pháp luật, Nghị định quy định việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đây là một nội dung hoàn toàn mới trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Theo quy định của Nghị định, việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm (i) Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (ii) Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật; (iii) Kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; (iv) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật; (v) Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; (vi) Thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp. Cùng với việc xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, Nghị định cũng quy định trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp dưới xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp.
Lại Thế Anh, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật