Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT là văn bản liên tịch đầu tiên giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển nhằm cụ thể hóa Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm và triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/11/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/5/2012, với kết cấu gồm 05 chương (40 điều), trong đó tập trung hướng dẫn những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký
a) Quy định cụ thể hồ sơ và thủ tục đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay.
b) Quy định cụ thể hồ sơ và thủ tục đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký thế chấp tàu biển.
c) Hướng dẫn việc lưu hồ sơ đăng ký nhằm tạo sự rõ ràng, minh bạch và tạo thuận lợi trong việc tra cứu, lưu trữ, kiểm tra.
2. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là:
a) Trách nhiệm trong đăng ký, cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền đăng ký;
b) Trách nhiệm báo cáo công tác đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển.
3. Cụ thể hoá quan điểm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện đăng ký, cụ thể là:
a) Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT đã loại bỏ những giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ đăng ký, song vẫn đảm bảo tính chính xác của nội dung đăng ký (bỏ giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý);
b) Đơn giản hóa thủ tục kê khai đơn đăng ký trên cơ sở tăng cường việc sử dụng, khai thác giá trị của văn bản công chứng (ví dụ: nếu hợp đồng thế chấp tàu bay, tàu biển đã được công chứng thì trong Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký của một bên tham gia giao dịch bảo đảm);
c) Thông tư quy định cụ thể thành phần, số lượng các loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đối với mỗi loại việc đăng ký cụ thể. Ngoài ra, yêu cầu các loại giấy tờ là bản chính, bản sao hay bản sao có chứng thực cũng được quy định rõ nhằm tạo thuận lợi cho người yêu cầu đăng ký và cán bộ đăng ký tiếp nhận và giải quyết hồ sơ;
d) Thông tư quy định cụ thể trình tự đăng ký của từng loại việc đăng ký như: đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển; đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển; sửa chữa sai sót về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển; đăng ký văn bản thông báo về xử lý tài sản bảo đảm; xóa đăng ký;
đ) Thông tư quy định cụ thể cách ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam đối với từng loại việc đăng ký cụ thể khi cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký;
e) Thông tư quy định cụ thể 22 phụ lục là các biểu mẫu về đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (gồm 11 mẫu); Biểu mẫu đăng ký thế chấp tàu biển (gồm 11 mẫu). Tại mỗi biểu mẫu đã chi tiết những nội dung cần kê khai và hướng dẫn cách kê khai cụ thể đối với từng mục, nội dung.
Việc ban hành Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT với những nội dung cơ bản nêu trên góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, đơn giản, minh bạch hóa thủ tục hành chính trong đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền đăng ký, các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch./.
Nguyễn Hoàng Hà - Cục Đăng ký