Thông tư liên tịch gồm 8 Điều, quy định các nội dung cụ thể sau:
1. Thông tư quy định việc điều chỉnh các hoạt động lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp (Điều 1). Văn bản QPPL được cấp kinh phí bao gồm Nghị quyết của HĐND, Quyết định, Chỉ thị của UBND các cấp.
2. Quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí, gồm nguyên tắc xác định nguồn kinh phí, dự toán, sử dụng kinh phí cũng như nguyên tắc thực hiện và vận dụng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (Điều 2). Đặc biệt, Thông tư đã quy định rõ nguyên tắc xác định kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND là từ ngân sách nhà nước và do Ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
3. Quy định cụ thể các hoạt động xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND (Điều 3), đây là các hoạt động được xác định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/ NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan như Thông tư số 03/2010/TT-BTP,…
Nếu so với Thông tư số liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC, đây là một điểm mới cơ bản, theo đó quy định đầy đủ các hoạt động (12 hoạt đông) trong quy trình xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND từ lập đề nghị xây dựng văn bản; lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản QPPL; tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến…; đăng tải dự thảo văn bản; theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Những hoạt động này có vai trò quan trọng trong các giai đoạn xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND.
4. Quy định về các nội dung chi cho các hoạt động xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của chính quyền địa phương, đây là những nội dung chi cụ thể, được áp dụng chung và có thể lựa chọn áp dụng một số hoặc tất cả những nội dung này cho từng hoạt động cụ thể (Điều 4). Nếu so với trước đây, các nội dung chi đã được quy định đầy đủ hơn, từ các nội dung chi những công việc phục vụ trực tiếp cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND đến thi hành pháp luật (14 nội dung chi khác nhau).
5. Về mức chi và áp dụng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành cho các nội dung trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND (Điều 5), cụ thể:
- Quy định về định mức chi cho các nội dung mang tính đặc thù nhất của công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND (khoản 1 đến khoản 7). Các mức chi này được xác định trên cơ sở các quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính, song có tính đến hệ số trượt giá, lạm phát và mức tăng lương tối thiểu tính đến tháng 12/2011..., theo đó, các mức chi sẽ tăng từ 50 - 70% so với các mức chi được quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT -BTP-BTC, cá biệt có mức chi sẽ tăng 100% như định mức phân bổ kinh phí cho việc xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh tăng từ 5 triệu lên 9 triệu đồng/dự thảo Nghị quyết...
- Quy định việc áp dụng và vận dụng các chế độ chi tiêu hiện hành, đó là việc áp dụng, vận dụng các chế độ chi tiêu tài chính về công tác phí; hội nghị, hội thảo, tạo đàm; tạo lập tin điện tử và công nghệ thông tin; xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu; tổ chức các cuộc điều tra, thống kê, khảo sát; tổ chức nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; rà soát, hệ thống hoá văn bản và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... (khoản 8).
Ngoài ra, Thông tư này còn quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản quyết định mức chi cho từng nội dung chi cụ thể trong các hoạt động xây dựng và hoàn thiện văn bản, tuy nhiên, việc quyết định mức chi không được vượt quá mức chi được quy định tại khoản 1 đến khoản 7 và theo quy định của các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
6. Về định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho việc xây dựng từng loại văn bản QPPL của HĐND, UBND (Điều 6).
- Quy định cụ thể mức phân bổ kinh phí tối đa cho mỗi hình thức văn bản cụ thể của HĐND, UBND các cấp, bao gồm định mức phân bổ đối với văn bản mới, thay thế và văn bản sửa đổi, bổ sung (trừ Chỉ thị).
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định việc tăng định mức phân bổ kinh phí cho các văn bản phức tạp phải lấy ý kiến tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị hoặc có nội dung liên quan đến nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, nhưng mức tăng thêm không quá 20% so với định mức phân bổ kinh phí tối đa theo quy định tại khoản 1.
- Thông tư cũng quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản có thể bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ cho các hoạt động liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND. Đây là khoản kinh phí ngoài kinh phí đã được bố trí theo định mức phân bổ tối đa (khoản 1).
7. Về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện văn bản QPPL của HĐND, UBND, Thông tư quy định việc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí. Đặc biệt để khắc phục tình trạng khó khăn trong quyết toán kinh phí, điểm c khoản 2 đã quy định trường hợp văn bản trong chương trình, kế hoạch xây dựng và hoàn thiện văn bản hàng năm của HĐND, UBND nhưng chuyển sang năm sau hoặc tạm dừng thực hiện, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo thực hiện quyết toán theo các nội dung công việc, hoạt động đã được thực hiện.
8. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 của liên Bộ Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản QPPL của HĐND, UBND.
Vụ Các vấn đề chung về XDPL