Theo Nghị định này, các hành vi về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế bao gồm: Vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế. Đối với mỗi hành vi vi phạm về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo hay phạt tiền, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng). Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn hoặc không thời hạn, giấy phép về nhập khẩu về trang thiết bị y tế; Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hủy bỏ quảng cáo, cung cấp thông tin chính xác về thông tin quảng cáo sản phẩm; buộc đính chính hoặc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; buộc khắc phục hậu quả do lỗi của sản phẩm gây ra; buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế đối với thuốc, mỹ phẩm các sản phẩm không phải là thuốc hoặc trang thiết bị y tế vi phạm…
Nghị định cũng quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm trang thiết bị y tế, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể thừ ngày 15/12/2011./.
Tô Hoàng