Theo quy định tại Thông tư này, kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non được hiểu là hoạt động đánh giá trường mầm non (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ nhà trường đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của cơ quan quản lý nhà nước.
Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non nhằm giúp nhà trường xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn, để xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của nhà trường; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non bao gồm: Độc lập, khách quan, đúng pháp luật, trung thực, công khai, minh bạch.
Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non gồm 4 bước: Tự đánh giá của trường mầm non; Đăng ký đánh giá ngoài và đăng ký công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của trường mầm non; Đánh giá ngoài trường mầm non; Công nhận trường mầm non đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non là 5 năm, tính từ thời gian ký quyết định cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Trường mầm non đạt cấp độ 1 theo quy định của Thông tư này, sau ít nhất 2 năm học, được đăng ký đánh giá để nâng lên cấp độ 2.
Văn bản này áp dụng đối với trường mầm non, nhà trẻ và trường mẫu giáo (sau đây gọi chung là trường mầm non) thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân; tổ chức và cá nhân có liên quan.
Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non được thực hiện bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định khác có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2011.
K.H