Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản

10/12/2010
Ngày 04/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010) thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Để hướng dẫn các địa phương triển khai thống nhất quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định chi tiết các Điều 6, Điều 7, Điều 11 của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện một số vấn đề cụ thể trong thực tiễn mà Nghị định số 17 chưa quy định hoặc thể hiện chưa rõ nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất, hiệu quả các quy định mới về bán đấu giá tài sản trong phạm vi toàn quốc.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định về các nội dung chủ yếu như: khóa đào tạo nghề, giảm thời gian đào tạo nghề, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, thực tập nghề đấu giá; trình tự, thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trách nhiệm của đấu giá viên khi điều hành cuộc bán đấu giá của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện; việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt; trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá; bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất; nhiệm vụ của Sở Tư pháp; quy định chuyển tiếp và biểu mẫu kèm theo Thông tư.  

Trong quá trình xây dựng Thông tư, dự thảo văn bản đã được gửi lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của văn bản; tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, tổ chức họp tư vấn thẩm định… đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Bố cục của Thông tư gồm 4 Chương với 23 Điều, trong đó:

 Chương I. Đào tạo nghề đấu giá: gồm 4 điều, từ Điều 1 đến Điều 4;

 Chương II. Đấu giá viên: gồm 5 điều, từ Điều 5 đến Điều 9;

 Chương III. Tổ chức bán đấu giá tài sản và trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản: gồm 9 điều, từ Điều 10 đến Điều 18;

 Chương IV. Tổ chức thực hiện: gồm 05 điều, từ Điều 19 đến Điều 23.

Về khóa đào tạo nghề, thực tập nghề đấu giá

Nhằm hướng dẫn cụ thể Điều 6 Nghị định số 17, Thông tư quy định về khóa đào tạo nghề đấu giá được tổ chức theo hình thức đào tạo tập trung, thời gian là 03 tháng, căn cứ vào nhu cầu thực tế mà không ấn định thời điểm tổ chức khóa đào tạo. Thông tư chỉ quy định mang tính định hướng đối với Chương trình khung đào tạo nghề đấu giá gồm thời gian đào tạo tại cơ sở đào tạo và thời gian thực tập tại tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, đảm bảo cân đối giữa thời gian học lý thuyết và thực hành (Điều 1 Thông tư). Nội dung cụ thể của chương trình đào tạo nghề đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt theo Quyết định số 2446/QĐ-BTp ngày 22/9/2010.  

Cơ sở đào tạo nghề đấu giá theo Thông tư là Học viện Tư pháp, với một số quyền và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo nghề, ngoài ra còn có một số quyền và nghĩa vụ khác được thể hiện trong quy chế đào tạo của cơ sở đó (Điều 2 Thông tư). 

Điều 3 Thông tư hướng dẫn khoản 2 Điều 7 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về giảm thời gian đào tạo nghề, theo đó những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật được giảm thời gian đào tạo kiến thức pháp luật nhưng không quá 1/3 tổng số tiết học của phần kiến thức pháp luật trong chương trình đào tạo nghề đấu giá (tương ứng khoảng 20 tiết học).    

Thông tư quy định tại Điều 4 về trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề, tổ chức bán đấu giá tài sản tiếp nhận thực tập và học viên nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc thực tập nghề đấu giá.

Về đăng ký đấu giá viên, thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, cấp đổi Thẻ đấu giá viên thành Chứng chỉ hành nghề đấu giá

Nhằm hướng dẫn việc đăng ký danh sách đấu giá viên, cung cấp thông tin cho công tác quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 10 Điều 18 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Điều 5 Thông tư quy định về việc đăng ký đấu giá viên, trình tự, thời hạn đăng ký, nghĩa vụ của tổ chức bán đấu giá tài sản phải đăng ký danh sách đấu giá viên tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động, kể cả khi có thay đổi, bổ sung đấu giá viên.

Thông tư quy định vai trò của tổ chức bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp trong việc theo dõi, phát hiện người có Chứng chỉ hành nghề đấu giá thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề. Trên cơ sở thông báo của các tổ chức, cá nhân hoặc tự mình phát hiện thì Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh, gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Điều 7 Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá nhằm bảo đảm tính minh bạch về thủ tục hành chính.

Điều 8 quy định thủ tục đề nghị cấp đổi Thẻ đấu giá viên đã được cấp theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thành Chứng chỉ hành nghề đấu giá trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực nhằm rà soát lại đội ngũ đấu giá viên, góp phần theo dõi và quản lý về số lượng đấu giá viên đang hành nghề.  

Về trách nhiệm của đấu giá viên khi điều hành cuộc bán đấu giá của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện

Điều 9 Thông tư nêu rõ trách nhiệm của đấu giá viên khi điều hành cuộc bán đấu giá của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện để bán tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: trực tiếp điều hành cuộc bán đấu giá, lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá để Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện ký hợp đồng với người trúng đấu giá.

Chế độ bồi dưỡng chi trả cho đấu giá viên khi điều hành cuộc bán đấu giá nêu trên được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản.

Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản

Điều 11 quy định rõ hơn về chi nhánh của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản: được thành lập, hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về bán đấu giá tài sản; trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi đã đăng ký hoạt động của chi nhánh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thì phải thông báo về việc lập chi nhánh cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc Sở Tư pháp nơi đặt chi nhánh nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đồng thời có chức năng thẩm định giá thì không được trực tiếp bán đấu giá đối với tài sản mà chính doanh nghiệp (hoặc chi nhánh của doanh nghiệp, các tổ chức trực thuộc doanh nghiệp, đơn vị kinh tế mà doanh nghiệp có cổ phần chi phối) đã tiến hành thẩm định giá tài sản đó.  

Về Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt

Để hướng dẫn rõ về tài sản có giá trị lớn, phức tạp, Điều 12 Thông tư quy định việc xác định tài sản có giá trị lớn, phức tạp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cụ thể là theo Thông tư số 245/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, Thông tư không viện dẫn trực tiếp tên văn bản cụ thể để tránh bị lạc hậu khi có sự thay đổi.

Đồng thời Điều 12 cũng nêu rõ trường hợp nào được coi là không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tránh việc lập Hội đồng này một cách tùy tiện, bảo đảm tính khách quan, minh bạch khi lựa chọn các tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước. Cụ thể là sau khi đã hết thời hạn thông báo công khai mà không có tổ chức nào đăng ký tham gia hoặc đã tiến hành đấu thầu mà không có tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nào trúng thầu thì được coi là không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Thông báo công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện bán đấu giá tài sản phải được gửi cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tại địa phương và phải được thông báo ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương.

Về quy chế bán đấu giá, trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản

Điều 13 của Thông tư hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về quy chế bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; quy chế chứa đựng những nội dung cụ thể gắn với thực tiễn hoạt động bán đấu giá tài sản của từng tổ chức trong điều kiện cụ thể của địa phương.

Điều 14 hướng dẫn cụ thể hơn quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá trên cơ sở tham khảo Thông tư số 03/2005/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, song không quá chi tiết để thuận tiện cho tổ chức bán đấu giá tài sản và đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá áp dụng linh hoạt trên thực tế. Quy định linh hoạt hơn về bước giá, cho phép đấu giá viên công bố bước giá ngay trước khi bắt đầu cuộc bán đấu giá và có thể điều chỉnh bước giá tùy thuộc diễn biến của cuộc đấu giá tránh tình trạng thông đồng, dìm giá và kéo dài cuộc bán đấu giá.

Về bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất

Để hướng dẫn thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, Điều 16 Thông tư phân định cụ thể các công việc mà tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, Tổ chức phát triển quỹ đất và các cơ quan khác phải thực hiện khi bán đấu giá quyền sử dụng đất. Thông tư không quy định các vấn đề liên quan đến xử lý đất trước và sau khi bán đấu giá để tránh chồng chéo về thẩm quyền của Bộ ngành khác. Trong trường hợp cần hướng dẫn chi tiết về bán đấu giá quyền sử dụng đất thì Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ liên quan (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu, xây dựng thông tư liên tịch hoặc đề nghị các Bộ ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.   

Việc phân công trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất được phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định thông qua quy chế bán đất giá quyền sử dụng đất tại địa phương (khoản 3 Điều 16 Thông tư).

Về công tác quản lý nhà nước

Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn vai trò, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, nâng cao tính chủ động trong quá trình quản lý, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương (Điều 19); quy định về chế độ báo cáo (Điều 20). 

Về quy định chuyển tiếp

  Trên cơ sở cân nhắc thực tiễn hoạt động bán đấu giá tài sản của các địa phương trong giai đoạn chuyển tiếp, Thông tư đã có quy định tại Điều 21 theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức bán đấu giá tài sản hoàn thành nốt các công việc bán đấu giá tài sản đã tiếp nhận hoặc đang thực hiện từ trước ngày 01/7/2010 nhằm đề cao trách nhiệm của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm lợi ích của người có tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá.

Các hội đồng đấu giá đã tiếp nhận việc bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số lô đất cụ thể, đã tiến hành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, có phương án bán đấu giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/7/2010 thì tiếp tục thực hiện việc bán đấu giá lô đất đó theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Đối với các hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản đã được thực hiện trước ngày 01/7/2010 nhưng chưa hoàn thành thì các tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện nốt các công việc còn lại theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP.

Ngoài ra những nội dung cơ bản nêu trên, Thông tư còn có các quy định cụ thể về các vấn đề sau đây:

- Quy định cụ thể hơn về người có tài sản bán đấu giá (Điều 10);

- Quy định cụ thể hơn về niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản là bất động sản (Điều 14); xử lý khoản tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản áp dụng đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tài sản thi hành án để thuận lợi hơn trong thực tế bán đấu giá các loại tài sản này (Điều 17).

 - Quy định về chế độ lưu trữ hồ sơ, giấy tờ của tổ chức bán đấu giá tài sản (Điều 18) và 12 biểu mẫu cần thiết được ban hành kèm theo Thông tư (Điều 22).

Thông tư số 23/2010/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 01 năm 2011, thay thế Thông tư số 03/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP./.

Hà Phương