Sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại

08/12/2010
Ngày 01/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Theo đó, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, mức phạt là 10-20 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50 đến 70 triệu đồng. Trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70 đến dưới 100 triệu đồng sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 30 đến 35 triệu đồng; mức phạt tiền tăng gấp 2 lần (tức là từ 60-70 triệu đồng) đối với trường hợp hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa kinh doanh là chất độc hại, các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm một số mức phạt mới: Nếu như trước đây chỉ quy định phạt vi phạm đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị đến dưới 100 triệu đồng nay Nghị định sửa đổi đã bổ sung quy định phạt từ 10-20 triệu đồng nếu kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Tương tự, sẽ phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng…

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2011. Bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; bãi bỏ các Điều  23, 24 và 25 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa./.

Thành Công