Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ năm 2008: Giúp nhiều phụ nữ giành lại bình quyền

23/12/2008
Là một trong 5 văn phòng Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ thuộc Cục TGPL (Bộ Tư pháp), Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội đã miệt mài thực hiện TGPL cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các hoạt động TGPL, từng bước đưa hoạt động TGPL đến với người dân.

TGPL cho phụ nữ vẫn… “vướng”

Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh, hoạt động TGPL cho phụ nữ có mục tiêu cao cả là bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, chứ không thuần tuý liên quan đến việc giúp đỡ họ tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay và do pháp luật nước ta phức tạp hơn pháp luật các nước khác, khiến việc áp dụng pháp luật và quản lý xã hội nói chung và hoạt động TGPL nói riêng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội chưa “bắt tay” được với các cơ quan tư pháp địa phương nên chưa phát huy được sức mạnh tư pháp trong hoạt động TGPL cho phụ nữ.

Theo bà Lê Thị Hiên – Trưởng Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội, trong hoạt động TGPL cho phụ nữ, điểm “vướng” lớn nhất mà các chuyên viên tư vấn và cộng tác viên của Văn phòng gặp phải là còn ít người (thuộc diện được TGPL miễn phí) biết và tìm đến văn phòng. Hoặc nếu chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc nạn nhân bị buôn bán tìm đến Văn phòng thì lại không có giấy tờ, biên bản bản nào của các cơ quan chức năng (công an, bệnh viện, UBND cấp xã hay tổ trưởng tổ dân phố) xác nhận tình trạng nạn nhân của họ. Những trường hợp này Văn phòng rất khó khăn khi làm thủ tục cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ vì không đủ căn cứ xác định họ thuộc diện được TGPL và nhờ LS miễn phí.

Không những thế, Văn phòng còn gặp nhiều “cánh cửa đóng kín” khi giải quyết các vụ việc phức tạp. Hầu như việc trao đổi với các đối tượng liên quan, cơ quan, tổ chức ở cơ sở về các vụ việc này đều không thuận lợi nên Văn phòng khó có thể nắm chính xác được kết quả TGPL của mình. Do đó, về cơ bản, đến nay, nhiều vụ văn phòng chỉ mới giải quyết được ở khâu tư vấn pháp luật cho những người có nhu cầu được TGPL.

Quyết tâm đưa công lý đến với phụ nữ

TGPL được đánh giá là một loại hình hoạt động mang tính nhân đạo và cũng là một hình thức phúc lợi xã hội. Nhưng như bà Lý nhận xét, dù hoạt động TGPL đã được triển khai sâu rộng, có cả những hoạt động TGPL cho các đối tượng đặc biệt, dễ tổn thương (phụ nữ, trẻ em, thanh niên…) nhưng không phải mọi trường hợp người dân có vướng mắc về pháp luật đều được bảo vệ. Nhiều người vẫn phải chịu những chi phí “đen” khi tiếp cận công lý, nhiều phụ nữ vẫn đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, của sự bất bình đẳng do giới tính, nhất là trong vấn đề thăng tiến nghề nghiệp, độ tuổi nghỉ hưu... cho dù Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực.

Những khó khăn trong hoạt động TGPL cho phụ nữ năm qua dường như đã thành “điển hình”, dẫn đến hiệu quả hoạt động TGPL cho phụ nữ bị hạn chế, dù Văn phòng đã rất tích cực phối hợp với hội phụ nữ các địa phương khảo sát địa bàn, tổ chức TGPL lưu động với các chuyên đề phong phú, gần với nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt, sau khi địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, Văn phòng đã khẩn trương khảo sát cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Hà Nội – nơi phụ nữ ít có điều kiện tiếp xúc pháp luật, để chuẩn bị cho các kế hoạch TGPL lưu động của năm 2009.

Vì thế, biện pháp tăng cường hiệu quả công tác TGPL được Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội đưa ra là cần đạt được một thoả thuận giữa Cục TGPL với TAND TP.Hà Nội trong việc TAND các cấp phối hợp với Văn phòng giới thiệu đối tượng là phụ nữ đến Văn phòng để yêu cầu được TGPL và cử LS bảo vệ quyền lợi khi tham gia tố tụng. Ngoài ra, các cấp chính quyền cơ sở cần loại bỏ quan điểm TGPL để “khuyến khích dân đi kiện” để phải quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động TGPL lưu động tại địa phương. Cán bộ phụ nữ và tư pháp cần là “tai mắt” của Văn phòng trong việc theo sát những chị em đã được Văn phòng thực hiện TGPL để biết được hiệu quả công tác tư vấn…

Bà Lý kết luận, cuộc đấu tranh để đạt được bình đẳng giới cho phụ nữ đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm và bản lĩnh, không chỉ của bản thân giới nữ trong xã hội mà còn cần sự hỗ trợ, tham gia của toàn xã hội, trong đó có hoạt động TGPL cho phụ nữ./.

Hương Giang

Riêng năm 2008, Văn phòng đã tổ chức được 26 đợt TGPL lưu động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 5 đợt so với năm 2007. Thông qua đó đã tư vấn trực tiếp, giải đáp những vướng mắc về pháp luật cho 602 trường hợp; mở 26 lớp học bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại các xã, phường trên địa bàn Hà Nội, thu hút hơn 1.800 lượt phụ nữ tham gia.

Tại trụ sở, Văn phòng đã thực hiện TGPL (qua điện thoại, trả lời đơn thư, tư vấn trực tiếp và cử LS tham gia tố tụng) được 202 vụ cho 202 người, trong đó có 25 người nghèo, 17 người có công với cách mạng.

Trong năm 2008, Văn phòng đã trực tiếp giúp nhiều chị em bảo vệ được quyền lợi của mình, trong đó điển hình là vụ của chị Trịnh Thị Út (Hoài Đức – Hà Nội), bị chồng đánh đập nhiều lần, nhốt vào cũi chó. Chị đã nhờ Văn phòng TGPL cho phụ nữ tư vấn và yêu cầu được nhờ LS. Văn phòng đã phối hợp với Văn phòng Luật sư Bảo Nhân (Hà Nội) cử LS bảo vệ quyền lợi cho chị tại phiên toà. Kết quả, theo bản án của TAND huyện Từ Liêm, chị được bồi thường 15 triệu đồng và chồng chị - kẻ thường xuyên hành hạ chị - phải nhận mức hình phạt 18 tháng tù giam cho tội “Cố ý gây thương tích và làm nhục người khác”./.