Hệ thống tổ chức THADS có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THADS trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan.
Khác với Pháp lệnh THADS 2004, Luật THADS đã qui định rõ, hệ thống tổ chức THADS gồm Cơ quan quản lý và Cơ quan THADS. Theo đó, “Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS sự theo quy định của Chính phủ” (khoản 2 Điều 179) và “Cơ quan quản lý THA thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện trách nhiệm, quyền hạn quy định tại Điều này theo quy định của Chính phủ” (khoản 2 Điều 180). Còn cơ quan THADS được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp quân khu (Điều 15).
So với Pháp lệnh THADS 2004, qui định về hệ thống tổ chức cơ quan THADS trong Luật THADS đã thể hiện rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan THADS. Trong khi Pháp lệnh chỉ qui định về vấn đề này trong 1 điều luật (điều 11) thì Luật THADS đã dành 4 điều (15-18) với các quy định cụ thể về hệ thống tổ chức cơ quan THADS (điều 15); nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS cấp tỉnh (điều 16), cấp quân khu (điều 17) và cấp huyện (điều 18).
Theo điều 11 Pháp lệnh THADS 2004, “tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Cơ quan THA do Chính phủ quy định”. Vì thế, cho đến trước 1/7/2009, các vấn đề về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS các cấp do Nghị định số 50/2005/NĐ-CP (ngày 11/4/2005) của Chính phủ về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS và các văn bản liên quan điều chỉnh.
Luật THADS qui định về tổ chức hệ thống cơ quan THADS về cơ bản giống với Pháp lệnh, bao gồm: cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (cấp tỉnh); cơ quan THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc cơ quan THA khu vực (cấp huyện); cơ quan THA quân khu và tương đương (cấp quân khu). Có một điểm mới là Luật THADS đã “dự trù” việc thành lập cơ quan THADS khu vực để tương ứng với việc thành lập toà án khu vực như đề án đổi mới hệ thống toà án (hiện đang chuẩn bị được thí điểm) nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49.
Song với tinh thần xây dựng một hệ thống cơ quan THADS độc lập, theo hệ thống dọc từ TƯ xuống địa phương, Luật THADS đã qui định cho cơ quan THADS cấp tỉnh nhiệm vụ, quyền hạn “Quản lý, chỉ đạo về THADS trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ” (Khoản 1 Điều 16). Theo đó, cơ quan THADS cấp tỉnh sẽ phải bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động THADS; chỉ đạo hoạt động THADS đối với cơ quan THADS cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ THADS cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan THADS cấp huyện; Kiểm tra công tác THADS đối với cơ quan THADS cấp huyện; Tổng kết thực tiễn THADS, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác THADS theo hướng dẫn của cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, về cơ bản, cơ quan THADS các cấp sẽ có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 37 của Luật THADS; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ THADS đang chấp hành hình phạt tù; giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật THADS; thực hiện quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của các cơ quan THADS tại địa phương; giúp UBND cùng cấp thực hiện trách nhiệm quyền hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 185 của Luật THADS; báo cáo công tác THADS trước HĐND cùng cấp khi có yêu cầu.
Riêng cơ quan THADS cấp huyện còn phải “thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác THA theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan THADS cấp tỉnh” (khoản 4 Điều 18). Còn cơ quan THADS cấp quân khu có nhiệm vụ “tổng kết thực tiễn công tác THA theo thẩm quyền, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý THA thuộc Bộ Quốc phòng” (khoản 2 Điều 17) và giúp Tư lệnh quân khu và tương đương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 184 của Luật THADS (khoản 4 điều 17) như: chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý của mình theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THA cấp quân khu; quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác THADS.../.
Hương Giang