Dự án Luật Bồi thường nhà nước: Chỉ bồi thường nếu công chức gây lỗi khi thi hành công vụ

23/12/2008
Dự án Luật Bồi thường Nhà nước (BTNN) – do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo - được đánh giá là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và nhân dân trong việc đảm bảo quyền được bồi thường của người dân, tổ chức do hành vi trái pháp luật do người thi hành công vụ (công chức) gây ra. Dự án Luật này đã được trình Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2008) và đang được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp.

Phải đủ 4 căn cứ mới làm phát sinh trách nhiệm BTNN

Dự án Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức (không phân biệt trong hay ngoài nước) trong 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Nhà nước là quản lý hành chính Nhà nước, tố tụng và thi hành án (THA). Như vậy, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động xây dựng pháp luật (lập pháp, lập quy) không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hành vi nào của công chức cũng có thể dẫn đến trách nhiệm BTNN mà phải có đủ 4 căn cứ mới làm phát sinh trách nhiệm BTNN. Trong đó, ngoài các căn cứ chung mà Bộ luật Dân sự đã quy định, còn có một căn cứ đặc thù. Đó là thiệt hại phải do công chức gây ra trong quá trình thi hành công vụ (Điều 7).

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi, dự án Luật BTNN còn xác định rõ phạm vi các trường hợp được Nhà nước bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, tố tụng và THA, dựa trên nguyên tắc Nhà nước chỉ bồi thường khi hành vi trái pháp luật nào của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền sở hữu, các quyền cơ bản khác của cá nhân và các quyền của tổ chức mà mang tính phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân.

Riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dự án Luật quy định trách nhiệm BTNN theo hướng không chỉ pháp điển hoá các quy định về bồi thường thiệt hại do oan sai trong Nghị quyết 388, mà còn bổ sung một số trường hợp mới. Tuy nhiên, PGS.TS.Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm nên dự án Luật quy định theo hướng hạn chế. Khoản 1 Điều 44 qui định, Nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra trong một số hoạt động nhất định: thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản.

Điều 9 Dự án Luật xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết BTNN là cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Người thi hành công vụ phải hoàn trả toàn bộ trong từng trường hợp có lỗi cố ý. Đối với các trường hợp khác, người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường. Kinh phí bồi thường được sử dụng từ ngân sách Nhà nước.

Cần cân nhắc về trách nhiệm công chức

Theo PGS.TS Phan Trung Lý -  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội, một văn bản pháp luật qui định thống nhất về BTNN như dự án Luật BTNN là rất cần thiết để tạo ra cơ chế bảo đảm, nêu cao hiệu lực và hiệu quả của pháp luật trong lĩnh vực BTNN. Hiện nay, các quy định về BTNN trong hệ thống pháp luật của nước ta chưa thật đầy đủ và còn thiếu đồng bộ về cả loại văn bản đến các vấn đề cần điều chỉnh. PGS.TS Lý đã chỉ ra rằng, các qui định đó nằm rải rác trong nhiều văn bản, do nhiều cơ quan ban hành, mỗi văn bản lại chỉ đề cập đến một lĩnh vực trong BTNN như điều 72, điều 74 Hiến pháp; Điều 619, 620 Bộ Luật Dân sự; Nghị Quyết 388 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị giam do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; Nghị định số 74 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra…

Mặc dù không còn bàn cãi về tính cần thiết phải ban hành Luật BTNN nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề như: BTNN trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước quy định ở mức độ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, việc bồi thường nên ở 2 cấp, tạo điều kiện để người bị thiệt được thuận lợi tiếp cận với Toà án, phí và lệ phí xung quanh hoạt động BTNN... Đặc biệt ông Nguyễn Quang Ngọc (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ) đề nghị cân nhắc các qui định của dự án Luật về trách nhiệm, quyền lợi công chức vì qui định trách nhiệm của công chức rất cao, còn hạn chế quyền lợi của công chức như trong dự án Luật thì “liệu có giữ đựơc những công chức có tâm huyết, năng lực để làm việc trong bộ máy Nhà nước?”./.

Hương Giang

PV: Tại sao Dự án luật không quy định trách nhiệm BTNN trong trường hợp thiệt hại do công chức không thực hiện hành vi (bất tác vi) gây ra?

 PGS.TS Dương Đăng Huệ: Căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta, dự án Luật BTNN chỉ hạn chế trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường các thiệt hại do các hành vi chủ động (tác vi) của công chức gây ra, mà không đề cập đến các hành vi bị động (bất tác vi). Thực tế cho thấy, chủ yếu những hành vi gây ra nhiều thiệt hại cho tổ chức, cá nhân là những hành vi chủ động. Không những thế, hiện nay trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đa số công chức, nhất là ở địa phương còn yếu, điều kiện để thực thi công vụ lại hạn chế… nên tệ chậm trễ, quan liêu, thờ ơ trong các hoạt động công vụ là rất phổ biến. Nếu dự án Luật mở rộng phạm vi BTNN đến các hành vi bị động của công chức thì sẽ khiến dự án Luật có nguy cơ bất khả khi vì điều kiện kinh tế xã hội, năng lực tài chính và các điều kiện khách quan khác ở nước ta không cho phép thực hiện. Tuy nhiên, đa số các nước phát triển trên thế giới đều qui định trách nhiệm BTNN đối với cả hai hành vi nêu trên của công chức, nên nếu đưa được qui định này vào Luật BTNN thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc khắc phục tình trạng quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm của công chức trong việc phục vụ nhân dân./.