Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng cải cách tư pháp.

15/11/2008
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng cải cách tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Ban Chỉ đạo CCTP TƯ đã xây dựng dự thảo đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND và dự thảo đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Nhằm thu thập thêm ý kiến đóng góp về 2 dự thảo đề án này, ngày 14/11, Ban Chỉ đạo CCTP TƯ đã tổ chức hội thảo “đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND và VKSND theo định hướng CCTP” tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp, pháp lý.

           Để thực hiện “tổ chức hệ thống TA theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”, dự thảo đề án về tổ chức và hoạt động của TAND đã đưa ra 3 phương án về việc tổ chức hệ thống TA khu vực. Ngoài ra, một số nội dung chính khác của dự thảo đề án này gồm thẩm quyền của TA thượng thẩm, sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của cơ quan dân cử đối với TA, về việc sửa đổi Hiến pháp.

           Dự thảo đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của VKSND đã tiếp tục khẳng định vị trí của VKSND là “một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, do Quốc hội lập ra như qui định của Hiến pháp” và cho rằng, “VKS cần tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Dự thảo đề án cũng đề cập đến việc xây dựng hệ thống tổ chức VKS có 4 cấp, về vai trò của VKS trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, trong giải quyết các vụ việc dân sự…

           Theo lộ trình, dự kiến các dự thảo đề án này sẽ được đưa ra thực hiện từ năm 2012 sau khi Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung./.

H.Giang