Còn hơn 5 năm để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
Có thể nói, phải mất rất nhiều năm để có thể thêm mấy chữ “trừ trường hợp Luật này có quy định khác” vào nguyên tắc quốc tịch của Việt Nam. Với Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, nguyên tắc quốc tịch được xác định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Một trong các “quy định khác” đáng chú ý là việc nhà nước công nhận người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật cũng quy định, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/7/2009 - thời điểm Luật có hiệu lực - người chưa mất Quốc tịch Việt Nam phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam, nếu không đăng ký, coi như mất quốc tịch Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, Luật quy định rõ: “Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế”.
Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đương nhiên có Quốc tịch Việt Nam
Để hạn chế tình trạng không quốc tịch, Luật quy định Nhà nước tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này. Việc kết hôn, ly hôn và huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có). Luật đồng thời quy định việc vợ hoặc chồng nhập, trở lại hoặc mất quốc tịch Việt Nam không làm thay đổi quốc tịch của người kia.
Ngoài ra, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi dành nhiều điều, khoản quy định về quốc tịch của trẻ em như: trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thoả thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam. Điều 17 của Luật cũng quy định, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
Ngoài các quy định trên, Luật cũng quy định chi tiết về căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam; Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam; Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam; Căn cứ mất quốc tịch Việt Nam; Căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam; Thay đổi quốc tịch v.v.... Luật này sẽ thay thế Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998.
Cũng trong chiều qua, Quốc hội đã thông qua các dự án Luật: Cán bộ, công chức; Giao thông đường bộ sửa đổi và Công nghệ cao
La Thành
Từ ngày 1/7/2009, chỉ cần có một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: 1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; 2. Giấy chứng minh nhân dân; 3. Hộ chiếu Việt Nam; 4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. |
“Cánh cửa mở” đối với người không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân Kể từ ngày 1/7/2009, theo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định. |
Trở lại Quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài Theo Luật sửa đổi, người trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép: *. Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam *. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. *. Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. *. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam. |