Ngày đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn: Trách nhiệm: người nhận, người lảng tránh

12/11/2008
“Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát được đánh giá rất cao về sự dũng cảm nhận trách nhiệm này.

“Vedan hết sức tinh vi, cố ý”, “Bộ đã làm hết trách nhiệm”

Trả lời dàn trải các vấn đề, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên liên tục bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở nên nói ngắn gọn, tập trung. Không khí chất vấn rất Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên rất tẻ nhạt cho đến khi đại biểu Danh Út, Kiên Giang truy vấn trực diện vào “vụ Vedan”. Đại biểu Danh Út đưa ra một loạt câu hỏi gai góc: “Vì sao 70% khu công nghiệp, 90% các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại có phép? Công ty Vedan chấp hành không nghiêm chỉnh hai quyết định của Bộ về phạt môi trường, Bộ trưởng nói sẽ tấn công các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố sẽ xử Vedan ở mức cao nhất, nhưng đến nay Vedan thoát tội chỉ phạt không đình chỉ hoạt động, vì sao? Vedan bị phạt đã rõ nhưng đến nay có cán bộ, công chức nào của Bộ, của chính quyền địa phương bị kiểm điểm và từ chức chưa? Bộ trưởng có đồng tình để nhân dân khởi kiện Vedan không?”.

Sau một hồi dẫn giải về quá trình hoạt động, vi phạm tinh vi của Vedan, khiến cho các cơ quan chức năng không tài nào phát hiện được, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Bộ đã cố gắng tối đa để theo dõi, phát hiện và xử phạt vi phạm của Vedan. Không có chuyện đùn đẩy, Bộ chỉ có quyền xử lý vi phạm hành chính, còn trách nhiệm dừng hoạt động là của địa phương. Hiện nay chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ". Để chứng minh cho lập luận này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, những ngày gần đây, Vedan đã thực hiện nghiêm túc các quyết định của Bộ. Cụ thể, trong 5 đường cống ngầm, Công ty này đã phá 3, còn 2 đường đang hàn lại. Về khoản truy thu phí môi trường 127 tỉ đồng, Vedan đã nộp 15 tỉ đồng, sẽ nộp 50% trong năm 2008 và phần còn lại sẽ nộp trong năm 2009.

Chưa thỏa mãn với giải thích của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đại biểu Danh Út tiếp tục truy: “Bộ trưởng vẫn chưa trả lời, vì sao đến nay Vedan vẫn không bị đóng cửa?”. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, đến ngày 11/11, Vedan đã thực sự đóng cửa 3 trong tổng số 7 nhà máy. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng dẫn ra Điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường và theo đó thì Bộ chỉ phạt hành chính, không có quyền dừng sản xuất của nhà máy. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng Bộ trưởng dẫn điều 49 của Luật bảo vệ môi trường là "oan" vì Điều 49 quy định 3 chủ thể, trong đó Bộ và Chủ tịch tỉnh đều có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động của Vedan. "Luật còn nêu người nào xử lý đầu tiên thì có trách nhiệm tạm đình chỉ. Tôi cho rằng có lúng túng trong xử lý Vedan, đề nghị Bộ trưởng thể hiện quan điểm", đại biểu Lê Thị Nga cứng rắn. Đại biểu Nga thông tin thêm: "Tôi gửi câu hỏi văn bản rằng cá nhân nào đã bị xử lý kỷ luật liên quan đến vụ Vedan, nhưng Bộ trưởng lại trả lời theo hướng báo cáo thành tích. Đề nghị Bộ trưởng trả lời tiếp?".  Rút cuộc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói “Về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như tôi đã nói ở trên, tuy chúng tôi đã làm cố gắng hết sức mình nhưng cũng là đối tượng hết sức tinh vi, cố ý. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo chúng tôi và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục kiểm điểm và rút kinh nghiệm để phối hợp như thế nào, chúng tôi cũng đang nghiêm túc kiểm điểm, những mặt gì mình làm được, những gì còn tồn tại trong thời gian tới cần khắc phục”.

Nói đỡ cho Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: "Không có chuyện các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải mà vẫn được cấp phép. Chẳng qua do trước kia chúng ta đã không đặt vấn đề môi trường đúng mức. Nhiều KCN những năm 60, 70 không có cơ sở xử lý ô nhiễm. Chúng ta chỉ coi trọng ở những DN, KCN ô nhiễm nặng.Chẳng hạn, nhà máy giấy Bãi Bằng thì có nhưng hóa chất Lâm Thao thì không. Hà Nội cũng vậy, mãi sau khi có các dự án ODA thì mới có hệ thống xử lý chất thải. Sông Kim Ngưu, sông Nhuệ đã chết. Nay, sông Cầu cũng đang chết. Bây giờ ta mới giật mình".

Bộ trưởng Cao Đức Phát dũng cảm nhận trách nhiệm

Tiếp theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đăng đàn trả lời chất vấn với những câu hỏi làm ông “day dứt” đã lâu. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ người chịu trách nhiệm trong việc dự báo sai tình hình an ninh lương thực, gây thiệt hại cho người nông dân trồng lúa thời gian qua, đồng thời đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ xem tại sao năm nào Việt Nam cũng bị thiên tai nhưng lần nào cũng bị động, lúng túng. Nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết giải pháp của Chính phủ trong việc khắc phục những bất cập của công tác trồng rừng, phát triển rừng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Diện, tỉnh Hậu Giang chất vấn: “Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thiệt hại của nông dân vừa qua với chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo?... Trong báo cáo của Bộ trưởng có nói đã kiểm điểm công tác dự báo mùa màng phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, vậy dự báo của Bộ trưởng vừa qua đúng hay sai, trách nhiệm này như thế nào? cử tri muốn biết vấn đề này” . Đại biểu Lê Thanh Liêm, tỉnh Long An góp thêm: “Tôi cho rằng cơ hội nông dân được mùa, được giá như vừa qua quá hiếm hoi đối với người nông dân, nhưng tác động của Chính phủ thì làm cho người nông dân không nắm được cơ hội này tức là họ không được hưởng lợi mà đáng lẽ họ được hưởng một cách đầy đủ. Lý do về an ninh lương thực tôi cho rằng không ai thế cho người nông dân trồng lúa làm việc này nhưng không lẽ vì nhiệm vụ đó mà chúng ta cứ để họ chịu hoài thiệt hại này”. Đại biểu Liêm đặt câu hỏi: "Nếu dự báo sai thì có ai chịu trách nhiệm này và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có xử lý ai chưa?".

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, lúa gạo Việt Nam sản xuất ra chỉ xuất khẩu 20% còn 80% là để tiêu dùng trong nước: “Chúng tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội cùng với bà con nông dân cũng chia sẻ cách điều hành của Chính phủ. Chính phủ luôn luôn mong muốn làm lợi nhất cho bà con nông dân, nhưng trong những tình huống đặc biệt cũng cân nhắc thêm đại cục là sự ổn định xã hội, ổn định của đất nước, đó là cách làm như thế và rõ ràng không phải chỉ để mình bà con nông dân phải gánh chịu toàn bộ những thua thiệt đó”.

Chưa đồng tình, đại biểu Lê Thanh Liêm, tỉnh Long An tiếp tục truy: “Gốc của vấn đề ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo xuất phát từ dự báo sai sản lượng, sản lượng xuất khẩu thì 90% là ở đồng bằng sông Cửu Long”. Trái với dự đoán của nhiều người về diễn biến phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thẳng thắn đứng lên nhận trách nhiệm: “Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp”. Câu nói này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về lộ trình để nông dân chăn nuôi có lãi 40%, Bộ trưởng Cao cho biết, đây là một kế hoạch gồm nhiều nội dung, vừa kết hợp giữa điều hành sản vừa kết hợp làm tốt phần chế biến và tiêu thụ để duy trì giá có lợi cho nông dân. “Nhưng ngay cả sản xuất cũng như tiêu thụ không phải chỉ theo ý muốn của chúng. Sản xuất thì phụ thuộc vào thiên nhiên mà thị trường thì phụ thuộc vào thị trường thế giới luôn luôn có biến động. Vì thế nên quan trọng là chúng ta phải theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt để trong mọi tình huống tìm những giải pháp có lợi nhất cho nông dân. Còn cam kết cứng thì theo tôi không thể cam kết cứng trong điều kiện biến động về cả hai phía sản xuất và thị trường”.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Xăng vẫn còn lỗ !

Cuối buổi chiều qua, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là thành viên Chính phủ thứ 3 đăng đàn trả lời chất vấn. Một trong những thông tin đầu tiên mà Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết là trong thời gian tới Chính phủ sẽ tổng kết về mô hình tập đoàn kinh tế và sẽ sửa đổi một số cơ chế đối với mô hình này. Cụ thể, Chính phủ sẽ khống chế tỷ lệ huy động vốn của các tập đoàn;  khống chế tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực chính và đầu tư ra ngoài; không chế tỷ lệ đầu tư ra các lĩnh vực mạo hiểm, rủi ro như chứng khoán, ngân hàng… của các tập đoàn kinh tế.

Trả lời câu chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Mai, tỉnh Ninh Thuận vì sao từ cuối năm 2007, Chính phủ lại giảm thuế một số sản phẩm như thịt lợn, thịt bò…, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước? “Trách nhiệm thuộc ai, quyết sách như vậy đã đúng chưa?” – đại biểu chất vấn.  Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, vào cuối Năm 2007, lạm phát tăng cao, nhập siêu tăng cao, trong khi đó, chăn nuôi trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai, không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Trước tình hình như vậy, Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, Chính phủ phải áp dụng một số biện pháp đặc biệt và việc giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm từ chăn nuôi chỉ là một giải pháp. “Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh thuế nhập khẩu các mặt hàng này ở mức cao nhất khung để hỗ trợ sản xuất trong nước” – Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh cho biết.

Cùng quan tâm tới vấn đề giá cả, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Tây Ninh chất vấn: “Tại sao hiện nay tốc độ lạm phát đã giảm, giá nhiều mặt hàng trên thế giới cũng đã giảm nhưng có một nghịch lý diễn ra là nhiều mặt hàng trong nước, trong đó có thực phẩm, không giảm mà lại tăng. Bộ trưởng có biện pháp gì để hạn chế tình trạng doanh nghiệp móc nối với nhau móc túi người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?”. Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích về tình trạng giá xăng: “Đúng là có những mặt hàng trên thế giới đã giảm, trong nước cũng giảm nhưng có những mặt hàng không giảm giá ngay được, ví dụ xăng dầu, giá trên thế giới xuống nhưng trong nước phải chờ có thời gian để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường”. Sau một hồi giải thích, thông tin mà Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cung cấp cho đại biểu Quốc hội là giá xăng chưa hết lỗ, nên còn phải điều chỉnh giá từ từ và doanh nghiệp xăng dầu chấp hành rất nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ.

Hôm nay (12/11), sẽ có thêm 4 thành viên Chính phủ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn là: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.

La Thành