Cam kết về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động – thực vật và quy định của Việt Nam

07/11/2008
Một trong những cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới là thực thi đầy đủ các quy định của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động – thực vật (Hiệp định SPS).

Hiệp định SPS gồm có 14 Điều và 3 Phụ lục (Phụ lục A – các định nghĩa; Phụ lục B – minh bạch các quy định về vệ sinh động - thực vật; Phụ lục C - kiểm tra, thanh tra và thủ tục chấp thuận). Biện pháp kiểm dịch động - thực vật được hiểu là bao gồm bất cứ biện pháp nào áp dụng để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật khỏi những nguy cơ xâm nhập, xuất hiện hoặc lan truyền của sâu bệnh, vật mang bệnh hay vật gây bệnh, chất phụ gia thực phẩm, tạp chất, độc chất, sâu hại. Các biện pháp kiểm dịch động, thực vật bao gồm các luật, quy định, nghị định, thủ tục, các yêu cầu về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, xử lý, kể cả các yêu cầu về vận chuyển động, thực vật và đóng gói, dán nhãn liên quan đến an toàn thực phẩm.

Các cam kết

Quyền và nghĩa vụ cơ bản: các nước Thành viên trong đó bao gồm cả Việt Nam đều quyền áp dụng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật  miễn là các biện pháp đó phù hợp với SPS; đồng thời phải đảm bảo việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật chỉ ở mức độ cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động, thực vật dựa trên các nguyên tắc khoa học và có căn cứ khoa học xác đáng (trừ trường hợp áp dụng các biện pháp này tạm thời trên cơ sở thông tin chuyên môn sẵn có hoặc do các Thành viên khác áp dụng); bảo đảm các biện pháp này được áp dụng không phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện và vô căn cứ giữa các Thành viên có điều kiện giống và tương tự nhau. Các biện pháp được áp dụng mà không tạo nên sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế; bảo đảm áp dụng các biện pháp này phù hợp với quy định tại Điều XX(b) của GATT 1994.

Sự hài hoà: để hài hoà các biện pháp kiểm dịch động, thực vật các Thành viên sẽ lấy các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị có sẵn của quốc tế làm cơ sở cho các biện pháp của mình, trừ trường hợp có chứng minh khoa học cho thấy không nên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, hoặc Thành viên đó cho rằng việc áp dụng phù hợp với đánh giá rủi ro và mức độ bảo vệ động, thực vật. Các biện pháp áp dụng tuân thủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế sẽ được cho là cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động, thực vật và được coi là phù hợp với Hiệp định SPS.

Tính tương đương: các Thành viên phải chấp nhận các biện pháp kiểm dịch động, thực vật tương đương của Thành viên khác ngay cả  khi các biện pháp đó khác với biện pháp mà họ đang áp dụng để quản lý rủi ro nếu Thành viên xuất khẩu chứng minh được rằng  các biện pháp mà họ đề xuất cũng đạt mức độ bảo vệ tương tương với biện pháp của Thành viên nhập khẩu áp dụng. Trong trường hợp nước nhập khẩu khởi kiện tính tương đương sẽ được tiếp cận hợp lý để thanh tra, thử nghiệm và thực hiện các thủ tục liên quan khác.

Đánh giá rủi ro và xác định mức độ bảo vệ phù hợp của các biện pháp SPS: Đánh giá rủi ro phải dựa trên các kỹ thuật đánh giá rủi ro do các tổ chức quốc tế liên quan xây dựng (như Codex, OIE, IPPC), khi đánh giá rủi ro phải dựa trên chứng cứ khoa học, các quá trình và phương pháp sản xuất, thanh tra, thử nghiệm liên quan, dựa trên tính phổ biến của một số loại sâu bệnh cũng như điều kiện sinh thái môi trường liên quan khác. Khi đánh giá rủi ro đòi hỏi phải tính đến các yếu tố kỹ thuật và kinh tế như khả năng thiệt hại, chi phí và hiệu quả của phương pháp hạn chế rủi ro.

Việc lựa chọn một biện pháp gây hạn chế thương mại ít nhất là cần thiết, theo đó cần lựa chọn một biện pháp SPS hợp lý nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất và tác động tích cực nhất đến thương mại. Trong trường hợp chứng cứ khoa học liên quan chưa đủ, các Thành viên có thể áp dụng biện pháp tạm thời trên cơ sở thông tin chuyên môn có sẵn và phải thu thập các thông tin bổ sung để đánh giá rủi ro khách quan và hiệu quả.

Thích ứng với điều kiện khu vực bao gồm khu vực không dịch bệnh và ít dịch bệnh: các Thành viên đảm bảo rằng các biện pháp kiểm dịch động, thực vật của mình thích ứng với các đặc tính kiểm dịch động thực vật của từng khu vực, trong đó có tính đến mức độ phổ biến của loại sâu bệnh, các chương trình diệt trừ, kiểm soát sâu bệnh và các tiêu chí do các tổ chức quốc tế xây dựng nên. Khi một Thành viên xuất khẩu tuyên bố khu vực trong lãnh thổ của mình không có sâu bệnh hoặc ít sâu bệnh cần phải cung cấp bằng chứng cần thiết để chứng minh với Thành viên nhập khẩu, Thành viên nhập khẩu sẽ được tiếp cận một cách hợp lý để tiến hành thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm. Do vậy, khi tiến hành xem xét sản phẩm nhập khẩu của các Thành viên khác Thành viên nhập khẩu cân nhắc đến khả năng nước xuất khẩu không có sâu bệnh hoặc có những vùng của nước Thành viên xuất khẩu không có sâu bệnh.

Minh bạch hoá: các Thành viên đảm bảo những quy định về kiểm dịch động, thực vật đã ban hành phải được công bố cho các Thành viên quan tâm biết. Thành lập điểm hỏi đáp để trả lời các câu hỏi của các Thành viên khác và cung cấp các tài liệu liên quan đến kiểm dịch động, thực vật. Nếu các biện pháp được ban hành không dựa trên tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế và có thể tác động lớn đến thương mại của Thành viên khác, sẽ phải thông báo trước cho các Thành viên đó và dành thời gian hợp lý để họ nhận xét, bình luận.

Các thủ tục kiểm soát, kiểm tra và phê chuẩn: khi sử dụng bất cứ thủ tục nào để kiểm tra và thực thi kiểm dịch động thực vật phải đảm bảo các thủ tục đó được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi không kém hơn đối với sản phẩm trong nước, mọi hồ sơ và yêu cầu phải được xử lý chính xác và kịp thời, trong trường hợp hồ sơ bị thiếu sót cũng phải thông báo kịp thời cho người yêu cầu để bổ sung. Bí mật thông tin về sản phẩm phải được tôn trọng và bảo vệ được quyền lợi thương mại chính đáng. Ngoài ra, mọi khoản phí phải đảm bảo không gây phân biệt đối xử và không cao hơn chi phí thực tế thực hiện thủ tục.

Ngoài ra, những cam kết của Việt Nam liên quan đến các biện pháp kiểm dịch động, thực vật được thể hiện tại các Đoạn từ 304 đến 328 Báo cáo Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, trong đó Việt Nam cam kết thực thi Hiệp định SPS kể từ ngày gia nhập mà không viện dẫn đến giai đoạn chuyển đổi, Việt Nam cũng xác nhận rằng các biện pháp SPS được áp dụng trong khuôn khổ quản lý chuyên ngành cũng được tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc liên quan của Hiệp định SPS.

Văn bản pháp luật liên quan của Việt Nam

Có thể nói rằng, cho đến nay Việt Nam có một hệ thống pháp luật khá đầy đủ và phù hợp để thực thi Hiệp định SPS trong tất cả các lĩnh vực bao gồm lĩnh vực thú y; bảo vệ thực vật; vệ sinh an toàn thực phẩm và thuỷ sản.

Trong lĩnh vực thú y có Pháp lệnh thú y năm 2004; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y, và một số các Quyết định, Thông tư khác,

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật có Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001, Điều lệ bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ; Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 5 tháng 01 năm 2007 về kiểm dịch thực vật và hàmg loạt các Quyết định, Thông tư khác.

Trong lĩch vực vệ sinh an toàn thực phẩm có Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị định số 163/2004/NĐ-CP; và một số Quyết định, thông tư khác hướng dẫn thi hành lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực thuỷ sản có Luật Thuỷ sản năm 2003 và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trần ThịTuý