Tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên: “Cánh cửa” hoà nhập cộng đồng

02/10/2008
Tư pháp phục hồi (TPPH) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam do luật pháp chưa chính thức đề cập đến. Nhưng trong thực tế, một số “yếu tố nhất định” của TPPH đã được áp dụng và phát huy trong các quá trình của công cuộc cải cách tư pháp người chưa thành niên (NCTN). PLVN đã có buổi trao đổi với ông Hà Đình Bốn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) – về vấn đề xử lý chuyển hướng (XLCH) và TPPH đối với NCTN.

PV: Xin ông cho biết một số nét về TPPH và XLCH?

Ông Hà Đình Bốn: Hiện chưa có một định nghĩa chính thức về TPPH trong pháp luật nước ta, nhưng có thể hiểu TPPH là một cách nhìn nhận tư pháp tập trung vào việc khôi phục thiệt hại do hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật gây ra, thay cho việc chỉ trừng phạt người vi phạm. Còn XLCH là một quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của NCTN một cách không chính thức, nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống, cụ thể là áp dụng biện pháp xử lý thay thế ở cộng đồng. Cả hai biện pháp này đều đề cao vai trò của việc áp dụng các biện pháp xử lý không chính thức và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, xử lý hành vi vi phạm nhỏ của NCTN.

PV: Theo ông, so với các hình thức xử lý chính thức (có tính quyền lực Nhà nước), các biện pháp xử lý theo TPPH có những ưu điểm gì?

Ông Hà Đình Bốn: Về mặt xã hội, đối với những NCTN phạm tội, việc áp dụng TPPH có rất nhiều ưu điểm, trong đó phải kể đến khả năng có thể xoá được “vết nhơ” của hành vi vi phạm pháp luật của NCTN, tạo cơ hội cho người phạm tội khắc phục hậu quả của hình vi, tự rút ra bài học kinh nghiệm và bày tỏ được sự hối hận đến nạn nhân, các thành viên khác trong cộng đồng. Hơn nữa, áp dụng TPPH cũng góp phần đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia và hỗ trợ quá trình phục hồi cho người vi phạm.

PV: Vậy thực tế TPPH và XLCH ở nước ta hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Đình Bốn: Đến nay TPPH chưa được pháp luật nước ta nhìn nhận như một phương pháp giải quyết các vi phạm pháp luật của NCTN, nhưng trong hệ thống pháp luật đã áp dụng những hình thái nhất định của TPPH. Đó là một số nguyên tắc của TPPH được áp dụng để giải quyết không chính thức các hành vi vi phạm pháp luật nhỏ của NCTN với các hình thức khá phong phú như hoà giải ở cơ sở, họp tổ dân phố, giải quyết thông qua nhà trường (điều lệ), tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên)…, khuyến khích sự tham gia giải quyết của các bên liên quan, trong đó có cả nạn nhân và người vi phạm, mà không có sự tham gia của Nhà nước.

Việt Nam có truyền thống khá mạnh mẽ về việc cộng đồng tham gia giải quyết những công việc chung, nhưng đối với việc xử lý NCTN phạm tội thì truyền thống này lại chưa được khai thác triệt để. Thực tế hiện nay, khi phạm tội và bị xử lý bằng các biện pháp không chính thức hoặc các chế tài không giam giữ, NCTN chỉ nhận được sự hỗ trợ rất hạn chế, thậm chí mang tính hình thức từ cộng đồng. Vì vậy, cùng với nhiều yếu tố khác, sự “thờ ơ” của cộng đồng đối với quá trình giáo dục và phục hồi cho NCTN phạm tội đã khiến tỷ lệ tái phạm của NCTN bị áp dụng các biện pháp giám sát tại cộng đồng thường tương đối cao.

PV: Còn về biện pháp XLCH, theo ông có trái với tinh thần của hệ thống pháp luật nước ta hay không chưa?

Ông Hà Đình Bốn: Tất nhiên là không. XLCH là chủ yếu nhằm mục đích giáo dục và giúp đỡ NCTN sửa chữa sai lầm và trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy XLCH theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế chưa được phổ biến và chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam, nhưng đến nay vẫn là quá sớm để đưa các mô hình quốc tế vào các qui định của pháp luật Việt Nam, vì việc thực hiện các chương trình XLCH hoàn chỉnh đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp tuyên truyền, vận động sâu rộng. Về lâu dài, Việt Nam cần phải có một chiến lược toàn diện về áp dụng XLCH.

PV: Nói như vậy thì phải rất lâu nữa Việt Nam mới có thể áp dụng các biện pháp XLCH?

Ông Hà Đình Bốn: Không hẳn thế vì hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta cũng đã qui định một số thủ tục và hình thức xử lý có thể được coi là nền tảng để áp dụng các biện pháp XLCH và chế tài không giam giữ (các biện pháp tại cộng đồng) một cách rộng rãi hơn trong cả quá trình xử lý hành chính và tư pháp hình sự, nhất là thông qua quá trình cải cách pháp luật. Thực tế đã chứng minh phương pháp tối ưu là phát huy chính những điểm mạnh trong hệ thống xử lý NCTN phạm tội hiện có của Việt Nam.

PV: Làm thế nào để phát huy được ưu điểm của các biện pháp XLCH và TPPH cho NCTN phạm tội trong điều kiện hiện nay ở nước ta, thưa ông?

Ông Hà Đình Bốn: Trước hết, cần có một số điều chỉnh đối với hệ thống xử lý hành vi vi phạm hành chính hoặc hành vi phạm tội không gây hậu quả nghiêm trọng của NCTN cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường các điều khoản về XLCH trong BLHS và tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan hữu quan có quyền áp dụng các biện pháp mang tính thay thể để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của NCTN với mục tiêu hỗ trợ quá trình cải tạo NCTN tại cộng đồng, giảm thiểu sự kỳ thị và định kiến, bảo vệ cộng đồng thông qua phòng ngừa NCTN tái phạm. Đồng thời, củng cố công tác giám sát hỗ trợ cho NCTN bị áp dụng các biện pháp xử lý tại cộng đồng như giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và tăng cường các hình thức hỗ trợ, giám sát tại cộng đồng đối với NCTN bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc tại cộng đồng, những NCTN cần được hỗ trợ hoà nhập xã hội sau khi trở về từ trường giáo dưỡng, trại giam…

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Giang