Vướng mắc từ thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về cấp phiếu lý lịch tư pháp

25/09/2008
Cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 được thực hiện theo yêu cầu của công dân. Phiếu lý lịch tư pháp liên quan đến bí mật đời tư của công dân, do đó việc cấp phiếu lý lịch tư pháp phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục luật định. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân đã gặp một số vướng mắc, cần phải có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời để thực hiện được thống nhất đó là:

Hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài: Theo quy định tại  khoản 3 mục I Thông tư số 07 /1999/TTLT-BTP-BCA thì “Người nước ngoài cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam …… cấp Phiếu lý lịch tư pháp….”  và  tại điểm a - Khoản 1 mục II của Thông tư liên tịch số 07 quy định: Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải làm đơn; đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được khai đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Kèm theo đơn đối với người nước ngoài thì phải nộp bản chụp Hộ chiếu và bản chụp Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tư số 07 không hướng dẫn cụ thể bản chụp hộ chiếu có phải dịch ra tiếng Việt không? Người nước ngoài viết đơn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng tiếng Việt hay bằng tiếng nước ngoài.  Do vậy, khi người nước ngoài là công dân Trung Quốc, Pháp, Indonesia, Thái Lan…. yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và họ tự viết đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã rất khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ. Vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng công dân nước ngoài yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết công việc thì phải viết yêu cầu, đề nghị bằng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp không biết tiếng Việt thì phải thuê dịch thuật. Để đảm bảo cho công dân thực hiện quyền  của mình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết công việc được nhanh chóng, chính xác, và thực hiện thống nhất trong cả nước tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

 Tại điểm a - khoản 2 - mục II của Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA quy định thời hạn tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an cấp tỉnh là “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ  ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp ...... Đối với trường hợp phức tạp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thuộc Bộ Công an thì thời hạn này được kéo dài thêm không quá 10 ngày....”. Nhưng Thông tư số 07 không quy định rõ những dấu hiệu, yếu tố để nhận biết các trường hợp phức tạp. Do vậy, khi tiếp nhận, thụ lý hồ sơ Sở Tư pháp rất khó xác định trường hợp nào là trường hợp phức tạp để viết phiếu hẹn ngày trả kết quả cho công dân. Có nhiều trường hợp chỉ đến khi quá thời hạn 10 ngày xác minh ở Công an tỉnh mà chưa có kết quả trả lời Sở Tư pháp mới biết đây là trường hợp phức tạp. Để thực hiện thống nhất, tránh sự áp dụng một cách tuỳ tiện, đề nghị phải quy định rõ các yếu tố để xác định tính phức tạp và các trường hợp quá thời hạn chưa có kết quả trả lời phải có thông báo bằng văn bản gửi cho công dân nêu rõ lý do quá thời hạn.

Ngoài ra, việc thu lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại Quyết định số 94/2004/QĐ-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp  thì  các trường hợp công dân Việt Nam cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xã thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo quyết định số 135/1998/QĐ-TTg  (gọi chung là chương trình 135) áp dụng mức thu lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp là 50.000đ/lần cấp/ người bao gồm các xã, phường được quy định tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24/12/1999; quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 12/7/2000; quyết định số 42/2001/QĐ-TTg ngày 26/3/2001; quyết định số 231/2003/QĐ-TTg ngày 12/11/2003. Tuy nhiên, ngày 11/7/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg  về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu (chương trình 135 giai đoạn II) thay thế các quyết định số 1232/QĐ-TTg; quyết định số 647/QĐ-TTg; quyết định số 42/2001/QĐ-TTg; quyết định số 231/2003/QĐ-TTg. Theo quyết định số 163/2006/QĐ-TTg thì trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 40 xã đã hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình 135. Vậy việc thu lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân cư trú ở các xã đã hoàn thành chương trình phát triển kinh tế  - xã hội  (xã 135) này sẽ thực hiện như thế nào? đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể để tránh việc áp dụng không thống nhất.

Để công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và toàn quốc nói chung đi vào hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao. Đồng thời đảm bảo cho công dân thực hiện tốt nhất các quyền  của mình và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết công việc được nhanh chóng, chính xác nhiệm vụ được giao, đề nghị sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Cần có các quy định cụ thể về việc: Mở sổ thụ lý hồ sơ, thời hạn có hiệu lực của Phiếu lý lịch tư pháp; thời hạn thụ lý giải quyết đối với từng trường hợp cần quy định tính theo “ngày làm việc”; Mức thu lệ phí cụ thể đối với từng vùng, miền và quy định rõ các dấu hiệu để xác định trường hợp phức tạp để thực hiện được thống nhất, tránh gây phiền hà cho công dân.

 

Lê Thị La