Qua 2 năm thực hiện Dự án tổng: Từ 60 – 80% đối tượng biết về dịch vụ trợ giúp pháp lý

09/05/2008
Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam, 2005 – 2009”, do 4 tổ chức Sida, SCS (Thuỵ Điển), SDC (Thuỵ Sỹ) và Oxfam Novib (Hà Lan) đồng tài trợ (hay còn gọi là Dự án tổng), được chính thức triển khai thực hiện trong cả nước từ tháng 12/2005. Sau 2 năm 2006 - 2007, việc thực hiện Dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan, trong đó đáng kể nhất là ngày càng có nhiều người dân thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng đã biết và tìm đến các tổ chức TGPL để giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đẩy mạnh truyền thông về hoạt động TGPL

Trong 2 năm đầu, 63 Trung tâm TGPL nhà nước (trừ Đăk Lăk) thường xuyên thực hiện hoạt động truyền thông về TGPL hàng tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh và báo chí; qua các đợt TGPL lưu động, tờ rơi hoặc loa truyền thanh của xã. Dự án đã hỗ trợ các Trung tâm đặt 500 biển thông báo về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng để người dân, đặc biệt là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể biết về quyền được TGPL, điều kiện và thủ tục yêu cầu TGPL. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ Cục TGPL soạn thảo chỉnh lý 82 loại tờ gấp pháp luật và 30 Trung tâm dịch 37 loại ra 11 tiếng dân tộc thiểu số để phát cho bà con. Một số loại được ghi vào băng cát-xét phục vụ những người không biết chữ… Nhờ các hoạt động này, tỷ lệ người dân biết về TGPL tăng lên nhanh chóng. Khảo sát do Cục TGPL tiến hành tại 10 tỉnh trong năm 2007 cho thấy, tỷ lệ người thuộc diện TGPL biết về dịch vụ đạt từ 60 – 80%.

Với sự hỗ trợ của Dự án, trong 2 năm 2006 – 2007, các Trung tâm đã thực hiện hơn 287 nghìn vụ việc, trên 1.500 đợt TGPL lưu động đến các xã vùng xa. Riêng 5 Văn phòng TGPL cho phụ nữ tại Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Nguyên và Khánh Hoà thực hiện được 3.044 vụ việc, tổ chức 130 đợt TGPL lưu động cho phụ nữ. Văn phòng Hà Nội còn mở được 88 lớp học pháp luật buổi tối, giới thiệu các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, lao động, việc làm… cho hơn 4000 chị em.

Chú trọng nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng

Dự án đã hỗ trợ Cục TGPL tổ chức 10 lớp tập huấn về nghiệp vụ TGPL cho trên 600 lượt cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm, trong đó có nội dung về các quy định mới của pháp luật TGPL, các kỹ năng TGPL theo những hình thức khác nhau, lĩnh vực pháp luật cụ thể, kỹ năng TGPL cho các nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người có HIV/AIDS… Còn các Trung tâm đã tiến hành được 258 lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL cho hơn 10.000 lượt cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm, nhất là nội dung các văn bản pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu của TGPL thường xuyên.

Các đợt tập huấn này đã giúp cán bộ, cộng tác viên TGPL cập nhật được các quy định pháp luật cần thiết cho nghiệp vụ TGPL, nâng cao kỹ năng TGPL, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng. Những người thực hiện TGPL cũng chú ý hơn về sự đòi hỏi phải tăng khả năng cung cấp dịch vụ có tính nhạy cảm giới và kỹ năng làm việc đặc thù đối với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Hoàn thiện pháp luật về TGPL

Hai năm qua, Dự án đã hỗ trợ tổ chức 20 cuộc hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Cục TGPL chuẩn bị cũng như tập hợp và dịch các văn bản luật, tài liệu tham khảo về TGPL của các nước Anh, Mỹ, Canada, Australia, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… phục vụ quá trình xây dựng Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn.

Với sự đóng góp tích cực của Dự án, một số VBQPPL quan trọng về TGPL như Luật TGPL năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 hướng dẫn thi hành Luật TGPL, Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng đã được ban hành kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và công tác TGPL trên cả nước.

Hoàng Thư

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Có thể khẳng định, ba mục tiêu lớn của Dự án thời gian qua đều được thực hiện tốt, góp phần đưa công tác TGPL phát triển, đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý của người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế khác. Giai đoạn tiếp theo, các tổ chức TGPL cần tiếp tục tăng cường hơn nữa truyền thông về TGPL, chú trọng việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, quan tâm tới đánh giá chất lượng vụ việc TGPL…

 

Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục TGPL: Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng mới chỉ là bước đầu và thực tế vẫn còn những tồn tại cần giải quyết. Chẳng hạn, một số tỉnh chưa thực hiện đúng cam kết về chỉ tiêu nhân sự và kinh phí hoạt động cho các Trung tâm (5 biên chế và tăng dần kinh phí sau khi Dự án kết thúc); số vụ việc mời luật sư tham gia tố tụng bào chữa rất thấp, chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu mời luật sư bào chữa; một số Trung tâm chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Dự án về diện đối tượng được hưởng TGPL… Các hạn chế ấy cần phải được khắc phục nhằm bảo đảm các mục tiêu mà Dự án đã đề ra vì các đối tác quốc tế mong muốn qua Dự án có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.

Dự án tập trung vào 3 mục tiêu chính là nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế khác như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số…; nâng cao năng lực của các tổ chức TGPL để đáp ứng nhu cầu TGPL đa dạng của các nhóm đối tượng thụ hưởng; hoàn thiện thể chế và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống TGPL. Một số hoạt động hỗ trợ của Dự án: Khảo sát kinh nghiệm TGPL tại Australia; Xây dựng dự thảo Bộ tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL; Xây dựng Tài liệu hướng dẫn về nhạy cảm giới trong hoạt động TGPL