Tắm mình hơn nữa vào sự phát triển lớn của địa bàn

28/04/2008
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có Bài phát biểu đánh giá “Chương trình 2003 – 2007 đã thành công tốt đẹp” và nhấn mạnh 7 nhiệm vụ lớn để triển khai Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012. Xin lược ghi, giới thiệu bài phát biểu quan trọng này của đồng chí Bộ trưởng với quý vị và các bạn.

Công tác PBGDPL: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc Công tác PBGDPL 5 năm qua ngày càng đi vào nề nếp, có chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần vào thành tựu chung, quan trọng có ý nghĩa lịch sử của đất nước về phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh nói chung cũng như những thành tựu quan trọng diễn ra trong thời gian 5 năm qua như Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ X, Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới… Công tác PBGDPL giờ đây cơ bản không còn là công việc riêng của ngành Tư pháp, không còn có tình trạng khoán trắng cho ngành Tư pháp mà đã trở thành một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nội dung tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên của các đoàn thể quần chúng. Có thể nói cả hệ thống chính trị của đất nước và mỗi địa phương đã vào cuộc với sự nghiệp PBGDPL. Pháp luật đã đến với người dân không những ở thành thị, vùng đồng bằng, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, vùng dân tộc, vùng đồng bào có đạo, cũng như đã đi vào các đối tượng rất đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Dù đó là người cao tuổi hay là thanh niên, thiếu niên, học sinh. Dù đó là phụ nữ hay nam giới. Dù đó là giới chủ hay giới thợ v.v… Hình thức PBGDPL đôi khi còn khô cứng Những khăn, hạn chế, yếu kém của công tác PBGDPL 5 năm qua mặc dù đã được Hội nghị nhìn nhận đánh giá nghiêm túc, khách quan trong đó có cả những hạn chế, thiếu sót đã được nêu ra từ những lần trước nhưng chưa được khắc phục triệt để. Một số nơi, một số cấp, một số ngành có nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác PBGDPL. Sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong nhiều trường hợp chưa được phát huy đúng mức. Hình thức PBGDPL đôi khi còn giáo điều, khô cứng, ít hấp dẫn. Chưa khắc phục được bệnh thành tích, tính phong trào. Nguồn lực đầu tư cho công tác này tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra nhất là những nơi khó khăn. Công tác tuyên truyền PBGDPL ở một số ngành, địa phương chưa đồng bộ, còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự hướng mạnh về cơ sở. Phải nói thật là có những nơi ngại khó. Nhiều địa bàn xảy ra những vấn đề phức tạp, lẽ ra công tác PBGDPL phải lao vào thì có nơi ngại khó, ngại va chạm chưa nhảy vô - Bộ trưởng nói. Giáo dục pháp luật trong nhà trường của chúng ta đôi khi còn nặng về lý thuyết và chưa thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, còn thiếu sự gắn kết giữa PBGDPL với kiến thức thực tế, thực thi pháp luật hiện nay…

7 nhiệm vụ lớn cần triển khai ngay Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: Toàn ngành nhất trí cao với mục tiêu chung, 6 mục tiêu cụ thể, 6 yêu cầu, 7 nội dung chủ yếu và 4 nhóm giải pháp thực hiện đã được đề ra trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đề cao nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của công tác PBGDPL trong giai đoạn mới của đất nước, giai đoạn thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết tâm lĩnh hội đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đưa công tác này trong thời gian tới phát triển lên tầm cao mới, với khí thế mới. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PBGDPL nói chung và Chương trình PBGDPL của Chính phủ 2008 - 2012 nói riêng, Bộ trưởng cho rằng: Cần tiếp tục tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện PBGDPL và nâng cao nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL; lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng; tổ chức có hiệu quả công tác PBGDPL trên phạm vi toàn quốc để góp phần xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để đạt được các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể theo Quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Chủ tịch Hội đồng PBGDPL của Chính phủ chỉ đạo công tác PBGDPL giai đoạn 2008-2012 cần triển khai ngay 7 nhiệm vụ sau: Thứ nhất: Các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo tinh thần Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết 61 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, chỉ đạo kịp thời việc triển khai các công việc PBGDPL có chất lượng, hiệu quả và đi vào chiều sâu, đảm bảo cho hoạt động này có kết quả thực chất hơn. Thứ hai: Tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động tham mưu, giúp các bộ, ngành, đoàn thể, uỷ ban cấp tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2008 - 2012; kịp thời triển khai các nội dung của Chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện theo ngành dọc, hướng về cơ sở; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện trong phạm vi của bộ, ban, ngành, địa phương mình. Các cơ quan được giao chủ chủ trì đề án trong Chương trình cần khẩn trương xây dựng đề án chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Triển khai thực hiện đề án sau khi được được phê duyệt theo đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra. Chú ý lồng ghép việc thực hiện Chương trình này với các chương trình, đề án khác có liên quan đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, hoạt động của luật sư, tư vấn viên pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoạt động tuyên truyền PBGDPL cần gắn kết với các chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc. Đối với các đoàn thể cần gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, hội viên. Thứ ba: Tiếp tục hướng mạnh PBGDPL về cơ sở, thực hiện PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm. Pháp luật đến với người được tuyên truyền không chỉ sát thực mà còn phải dễ hiểu. Muốn vậy những cán bộ tuyên truyền pháp luật cần nắm vững tinh thần nói và viết phải xuất phát từ yêu cầu của người nghe theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn nhân lực tham gia công tác PBGDPL; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ làm công tác PBGDPL. Quan tâm phát triển lực lượng cán bộ biết tiếng dân tộc đối với đồng bào dân tộc, biết ngoại ngữ đối với công tác đối ngoại cũng như đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Thứ tư: Tăng cường phối hợp trao đổi những cách làm hay trong công tác PBGDPL; chọn hình thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các ngành cần tổng kết các hình thức phổ biến pháp luật đã hiệu quả trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn như mô hình “giỏ sách pháp luật”, “ phiên chợ pháp luật” ở vùng cao, “ngày pháp luật” ở Hà Tây, “tủ sách pháp luật gia đình”, lồng ghép PBGDPL ở các hoạt động văn hóa truyền thống như lễ hội ăn thề của người dân, mô hình “tổ hòa giải 5 tốt”, mô hình tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi và mô hình tuyên truyền pháp luật ở vùng biển ở Thanh Hóa. Cần chú trọng khảo sát thực tế nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân để lựa chọn cho đúng nội dung tuyên truyền phù hợp. Tăng cường đối thoại với người dân ở cơ sở để khắc phục tình trạng tâm lý quan ngại của người dân khi tiếp xúc với chính quyền…. Giáo dục pháp luật phải gắn với đối tượng, địa bàn cụ thể. Phổ biến pháp luật của thanh thiếu niên thì phải gắn với lợi ích thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm… Thứ năm: Giáo dục pháp luật trong nhà trường với 22 triệu người học - một bộ phận rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa việc học đi đôi với hành. Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy môn giáo dục công dân, gắn lý thuyết với thực hành. Tăng thời lượng ngoại khoá pháp luật cho học sinh, sinh viên. Kết hợp tốt công tác giáo dục đạo đức với giáo dục pháp luật. Thứ sáu: Cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Luật trong cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực thi pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ Luật được ban hành, một số qui định về PBGDPL chưa cụ thể hoặc còn bất cập thì chúng ta cần mạnh dạn tổng hợp, đề xuất kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu trước mắt, nhất là Chương trình PBGDPL giai đoạn 2008 – 2012. Thứ bảy: Cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đầu tư kinh phí cho hoạt động PBGDPL, đặc biệt là cơ chế kinh phí cho các tỉnh, cho các vùng miền còn khó khăn về thu ngân sách. Ngay trong năm 2008 cần đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 63 về kinh phí cho công tác PBGDPL để có cơ chế tài chính phù hợp hơn. Tiếp tục nghiên cứu chế độ bồi dưỡng, chế độ thù lao phù hợp với đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở… Sự động viên về tinh thần với sứ mệnh cao cả của người làm công tác PBGDPL là quan trọng, nhưng đồng thời làm sao có được chế độ cụ thể về vật chất, kinh phí cho phù hợp, tương xứng với công sức bỏ ra cho lĩnh vực quan trọng này. Cuối cùng Bộ trưởng cũng lưu ý các đồng chí giám đốc các sở tư pháp, thủ trưởng các tổ chức pháp chế bộ, ngành cần năng động, sáng tạo, tận tụy hơn nữa với công tác PBGDPL. Bộ trưởng cho biết cũng là những nơi khó khăn, thậm chí những nơi khó khăn hơn nhưng kinh phí cho PBGDPL có khi nhiều hơn nơi có số thu ngân sách khá. Lý do tại sao? Bộ trưởng chia sẻ niềm vui khi thấy nhiều nơi Tư pháp đã vào cuộc với những trăn trở lớn cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng,…Tư pháp đã vào cuộc để phổ biến pháp luật, giải thích pháp luật, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật tốt hơn. “Vậy thì hãy năng động hơn nữa, tích cực hơn nữa, tắm mình hơn nữa vào sự phát triển lớn của địa bàn thì chắc chắn HĐND, Cấp uỷ, UBND sẽ không tiếc gì nguồn kinh phí mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương”.

Quý Dương Ghi chép từ Hội nghị về công tác PBGDPL