Phiếu lý lịch tư pháp: Ngày càng khẳng định giá trị trong xã hội

06/05/2008
Sau khi ngành Công an tạm ngừng cấp Giấy chứng nhận tình trạng tiền án, tiền sự, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BTP-BCA quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) ngày 8/2/1999 (từ đây gọi tắt là TTLT 07) nhận được sự quan tâm của 2 Bộ Tư pháp và Công an, của UBND cấp tỉnh cũng như các cơ quan hữu quan ở địa phương. Vì vậy, tuy là một công việc mới mẻ nhưng ngay từ đầu, việc cấp Phiếu LLTP đã được triển khai tích cực, thuận lợi và đồng bộ, làm cho loại phiếu trên ngày càng khẳng định giá trị quan trọng trong xã hội.

Đó cũng là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất trong Hội nghị tổng kết 9 năm công tác cấp Phiếu LLTP mới đây do Bộ Tư pháp tổ chức.

Đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập…

Sau khi TTLT 07 có hiệu lực thi hành, tại nhiều địa phương, các Sở Tư pháp đã xây dựng và duy trì được mối quan hệ chặt chẽ, nhịp nhàng với CA tỉnh trong việc cấp Phiếu LLTP. Phòng Hành chính – Bổ trợ Tư pháp thuộc Sở Tư pháp và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (PC27) thuộc CA tỉnh/ thành phố là 2 đơn vị trực tiếp giải quyết việc cấp Phiếu LLTP đã thống nhất về quy trình phối hợp giải quyết công việc một cách chi tiết, cụ thể thông qua Quy chế phối hợp. Cũng nhờ công tác chỉ đạo sâu sát và sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành CA – Tư pháp nên việc làm thủ tục, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, xác minh, trả kết quả… luôn được thực hiện đúng. Bởi thế, trong 9 năm thực hiện TTLT 07, việc cấp Phiếu LLTP luôn đảm bảo tính chính xác, chưa xảy ra sai sót lớn khiến người dân phải khiếu nại, tố cáo.

Mặc dù được ban hành từ năm 1999, song những nội dung quy định về thủ tục, quy trình phối hợp giải quyết việc cấp Phiếu LLTP ngay từ đầu đã thể hiện tinh thần cải cách hành chính. Các quy định về thủ tục cấp Phiếu LLTP đơn giản, dễ thực hiện: đơn theo mẫu chuẩn; hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu chỉ cần nộp bản photocopy, không phải nộp bản sao công chứng; thời hạn cấp Phiếu được các Sở Tư pháp nỗ lực rút ngắn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Sau này, thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về việc cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, nhiều Sở Tư pháp đã sớm áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

Phiếu LLTP còn góp phần phục vụ nhu cầu quản lý hành chính nhà nước khi được xem là loại giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh tư cách đạo đức của một con người cụ thể. Cho nên, sau TTLT số 07, đã có rất nhiều văn bản của Nhà nước quy định về vấn đề này như Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Thông tư về nhiều lĩnh vực khác nhau do nhiều ngành, nhiều cấp ban hành từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm nội dung cho công tác LLTP như Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12/9/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân…

Có thể nói, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam. Thực tiễn giải quyết cấp Phiếu LLTP cho thấy, nhu cầu sử dụng Phiếu LLTP xuất phát chủ động từ phía người dân, bởi đây là loại giấy tờ duy nhất giúp họ chứng minh về nhân thân của mình theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan (chủ yếu là các cơ quan của nước ngoài) khi họ tham gia vào những quan hệ liên quan đến quyền lợi của mình. Ông Thất cho biết, suốt 9 năm qua, chiếm phần lớn trong tổng số Phiếu LLTP đã cấp là yêu cầu cấp Phiếu để sử dụng vào mục đích bổ túc hồ sơ xuất cảnh (du lịch, du học, định cư ở nước ngoài) và xuất khẩu lao động với tỷ lệ lên tới 77,5%. Thượng tá Nguyễn Văn Thìn – Trưởng phòng Tàng thư nghiệp vụ, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an – cung cấp, việc tra cứu thông tin từ hệ thống tàng thư can cước can phạm và một số người vi phạm pháp luật khác của ngành Công an, trung bình mỗi năm giải quyết hơn 400 nghìn yêu cầu các loại, cũng chủ yếu phục vụ mục đích xuất khẩu lao động (96,6%), xuất cảnh (38%)… Cũng theo ông Thất, những năm gần đây, số lượng người yêu cầu cấp Phiếu sử dụng vào những mục đích khác như xin việc làm trong nước, thành lập doanh nghiệp, bổ sung hồ sơ xin thôi, nhập quốc tịch… đã gia tăng nhanh chóng, ngày càng khẳng định giá trị của Phiếu LLTP trong đời sống dân sự và tạo được niềm tin đối với xã hội. Cụ thể, yêu cầu cấp Phiếu để xin việc làm trong nước năm 1999 mới có 187 trường hợp thì đến năm 2001 đã lên 2.034 trường hợp; để thành lập doanh nghiệp năm 1999 là 51 trường hợp và năm 2002 tăng tới 243 trường hợp… Chính vì vậy, việc giải quyết cấp Phiếu LLTP có ý nghĩa là một hoạt động của Nhà nước vừa giúp công dân thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp vừa góp phần thực hiện chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.

…Nhưng lại có những hạn chế nhất định

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác cấp Phiếu LLTP vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Một số Sở Tư pháp chưa có sự năng động, sáng tạo, chủ động trong việc lập và cấp Phiếu theo thẩm quyền được phân cấp. TTLT số 07 đã quy định rõ về nguyên tắc và nội dung xác nhận tình trạng tiền án, tuy nhiên, một số trường hợp kết quả xác minh hồ sơ cho thấy người yêu cầu cấp Phiếu chỉ vi phạm hành chính nhưng Sở Tư pháp không chủ động lập và cấp Phiếu mà phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ, kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tư pháp đối với hoạt động quản lý LLTP ở địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Do vậy, một số sai sót, lệch lạc chưa được uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Ông Thất thừa nhận, nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ của Vụ Hành chính tư pháp thường tập trung vào các lĩnh vực khác, chưa được thực hiện thường xuyên đối với hoạt động quản lý LLTP ở địa phương.

Quản lý và sử dụng lệ phí phục vụ tra cứu hồ sơ ở mỗi địa phương chưa được thực hiện thống nhất. Hiện nay việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí LLTP thực hiện theo Quyết định số 94/2004/QĐ-BTC ngày 7/11/2004 của Bộ Tài chính. Nhiều địa phương đã thoả thuận thống nhất khoản kinh phí 20% trích lại từ số tiền lệ phí được chuyển một phần sang Phòng PC27 – CA tỉnh để phục vụ cho việc tra cứu hồ sơ, phần còn lại được sử dụng in các biểu mẫu, sổ sách phục vụ cho việc cấp Phiếu LLTP và chi khen thưởng cho những người trực tiếp làm công tác cấp Phiếu (theo Quyết định số 94 của Bộ Tài chính). Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có một mức thoả thuận khác nhau, có vài Sở Tư pháp không thực hiện việc trích chuyển cho Phòng PC27.

Nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, thống kê. Định kỳ 6 tháng và 1 năm, các Sở Tư pháp phải lập báo cáo kết quả cấp Phiếu LLTP về Bộ Tư pháp, nhưng trên thực tế có rất nhiều Sở Tư pháp không chấp hành nghiêm chỉnh quy định (Khánh Hoà, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Nghệ An…). Điều này làm cho công tác quản lý LLTP chưa đạt được hiệu quả. Bộ Tư pháp không nắm rõ được chuyển biến tình hình cấp Phiếu LLTP của một số địa phương về số lượng Phiếu cấp trong 6 tháng đầu năm và cả năm cũng như những thuận lợi, vướng mắc để có thể đưa ra đề xuất, kiến nghị Bộ có phương án chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ.

Sự phối hợp của Sở Tư pháp và CA cấp tỉnh tại một số ít địa phương trong tra cứu hồ sơ, xác minh LLTP chưa đạt hiệu quả cao. Việc xác minh tại cơ quan CA trong một số trường hợp (đối với công dân Việt Nam cư trú ở nhiều tỉnh khác nhau hoặc có thời gian học tập, lao động, công tác tại nước ngoài và người nước ngoài) chưa đảm bảo đúng thời gian quy định.

Hoàng Thư

Qua báo cáo của 64 tỉnh thành, trong thời gian từ năm 1999 – 2007, các Sở Tư pháp trên toàn quốc đã thực hiện việc cấp Phiếu LLTP cho 508.198 trường hợp (trong đó, chủ yếu là cấp cho công dân Việt Nam, số phiếu cấp cho người nước ngoài chiếm 5,5%). Phân loại theo nội dung, số phiếu xác nhận có tiền án chiếm 0,5%, số phiếu xác nhận không có tiền án chiếm tới 99,5% tổng số phiếu đã cấp. Phân loại theo địa bàn, nhu cầu xin cấp Phiếu LLTP tập trung nhiều ở 21 tỉnh, thành phố, với tỷ lệ 78,6% (riêng TP. HCM chiếm 26,3%), còn các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… chỉ chiếm 0,25% tổng số phiếu đã cấp trong 9 năm.