Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Chính phủ sẽ chỉ hướng dẫn những điều mà luật, pháp lệnh uỷ quyền

18/04/2008
Hôm qua (17/4), trao đổi với báo chí bên hành lang phiên họp thứ 8 Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, Luật Ban hành VBQPPL đang được sửa đổi với tinh thần Chính phủ chỉ hướng dẫn những điều mà luật, pháp lệnh “ủy quyền” để đảm bảo tính độc lập của luật được ban hành.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta còn yếu. Cụ thể là, một trang văn bản luật thì phải có đến vài chục trang văn bản hướng dẫn, có khi văn bản hướng dẫn đó còn sai với tinh thần của luật?

*. Đấy là thực tế đang xảy ra hiện nay. Vì thế, chúng tôi đang tiến hành sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tinh thần là Chính phủ chỉ hướng dẫn những điều mà luật, pháp lệnh “ủy quyền”. Tiến tới bỏ câu chung chung được ghi cuối cùng của mỗi đạo luật là “Chính phủ hướng dẫn thi hành luật này”. Nếu vẫn có câu trên thì chỉ được ghi là “Chính phủ hướng dẫn thi hành điều này, khoản kia của luật” mà thôi.Thực hiện điều này để đảm bảo tính độc lập của luật được ban hành.

PV: Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng “luật thì mở, hướng dẫn thì khép”, thưa ông?

*. Thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật là có chuyện đó. Điều này là trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau như cơ quan thẩm định, cơ quan “hậu kiểm” không phát hiện ra sự chồng chéo, mâu thuẫn  của văn bản. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp chỉ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của địa phương và các bộ ngành. Trường hợp phát hiện ra sai, trái thì kiến nghị cơ quan ban hành thì sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay. Còn văn bản của Chính phủ thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện vai trò giám sát kiểm tra.

PV: Vậy nếu một người ban hành văn bản sai, trái gây “hậu quả pháp lý” nghiêm trọng thì người đó có bị xử lý hình sự?

*. Đặt vấn đề như vậy, theo tôi, là rất khó. Làm pháp luật là xây dựng chính sách, còn nếu người nào cố ý làm sai do yếu kém thì cần tăng cường năng lực cho họ hoặc thay người khác. Bởi làm luật đã phải qua một quy trình chặt chẽ với một tập thể tham gia.

PV:  Người dân phàn nàn là chúng ta vẫn còn quá nhiều “luật khung, luật ống” dẫn đến “luật treo” khi không thể thi hành vì chưa có nghị định hướng dẫn?

*.  Tôi lại nghĩ khác. Luật là chung của nhiều người, là mẫu số chung của rất nhiều mẫu số khác nhau hay là một đại lượng bằng nhau cho nhiều cái khác nhau. Vì thế, cần được khái quát cao, do đó luật cần văn bản hướng dẫn tiếp theo để cụ thể hoá. Bên dưới nữa là các cơ quan Nhà nước điều hành lại có văn bản điều hành cụ thể. Trong tình hình hiện nay, người quản lý cũng phải có trình độ để hiểu, để áp dụng và chịu trách nhiệm, chứ không phải luật cứ ghi thế này rồi anh áp dụng cứng nhắc theo.Chúng ta đang khắc phục tình trạng “luật treo” vì thiếu hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng những vấn đề cần hướng dẫn bao giờ cũng rất phức tạp. Vì thế không thể “ngày một ngày hai” ban hành ngay văn bản hướng dẫn được.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

La Thành