Doanh nghiệp hội nhập: Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư

18/04/2008
Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam thực hiện đa dạng hoá hình thức đầu tư để phù hợp hơn với xu thế khách quan của thời đại đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đi kèm theo đó là những thách thức về tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Để chia sẽ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư, sáng ngày 17/4/2008, Báo Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp hội nhập: Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư”. Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số Văn phòng luật sư, Công ty luật… Hội thảo là diễn đàn nhằm tạo cơ hội trao đổi một cách cởi mở giữa các doanh nghiệp với VIAC và các trọng tài viên của Trung tâm về các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại và đầu tư phát sinh từ phía các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ cho rằng tranh chấp là hiện tượng khách quan, sự tồn tại của tranh chấp có tính tất yếu trong xã hội, khi mà các mối quan hệ phát sinh ngày càng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, tuỳ từng lĩnh vực, tính chất và loại hình tranh chấp mà xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp cho phù hợp.  Theo GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ thì tranh chấp thương mại - đầu tư tại Việt Nam chủ yếu là các tranh chấp phát sinh giữa cá doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động thương mại và đầu tư nhằm mục đích kinh doanh, loại tranh chấp này có thể giải quyết thông qua các phương thức khác nhau như thương lượng, hoà giải, thông qua trọng tài hoặc bằng con đường toà án. Tuy nhiên giải quyết tranh chấp bằng thương lượng trực tiếp giữa các bên là phương thức phức được áp dụng khá phổ biến trong kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên ở Việt Nam trong thời gian qua có tới 60% tranh chấp có yếu tố quốc tế (trong đó có 1 bên là doanh nghiệp Việt Nam) đã được đưa ra xét xử tại trọng tài, bởi so với toà án thì trọng tài có nhiều điểm ưu việt hơn. Tuy nhiên, Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ uy tín, kinh nghiệm của từng tổ chức trọng tài  trước khi giao cho tổ chức trọng tài nào đó xét xử.

Chia sẽ với GS. TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng trong những năm gần đây, sự lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đang trở thành xu hướng lớn vì trọng tài thương mại có nhiều lợi thế hơn như: các doanh nghiệp có thể tự chọn cho mình những người tài giỏi, có năng lực và "trong sạch" để giải quyết tranh chấp của mình; giải quyết nhanh gọn, bí mật…

Tại Hội thảo các đại biểu còn được nghe các tham luận về “Trọng tài thương mại: Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả - hiệu lực của quyết định của trọng tài” và tham luận “Vai trò hỗ trợ của Toà án trong tố tụng trọng tài, thực tiễn áp dụng tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội”. Đây là hai chuyên đề có giá trị thực tiễn cao, không những giúp cho các doanh nghiệp năm rõ hơn các hệ thống cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại mà còn giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn vai trò của trọng tài và toà án cũng như các thủ tục liên quan trong giải quyết tranh chấp thương mại. Đặc biệt, tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe bài tham luận của ông Phan Vũ Anh - Giám đốc Ban đối ngoại pháp chế của Tổng công ty VINACONEX về kinh nghiệm thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài thương mại, từ vụ việc thực tiễn của Tổng công ty VINACONEX với Công ty BMI của Cộng hoà liên bang Đức làm việc tại Libya tron các dự án xây dựng do BMI nhận thầu thi công tại nước này. Qua vụ việc thực tế xảy ra đối với công ty mình, ông Phan Vũ Anh đã khẳng định việc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua con đường trọng tài là một phương thức rất hiệu quả. Tuy nhiên, các bên phải rất lưu ý khi thống nhất về điều khoản trọng tài. Điều khoản này phải đầy đủ, rõ ràng và có khả  năng thực thi được trên thực tế. Mặt khác, các hồ sơ tài liệu có liên quan cũng phải được đàm phán kỹ lưỡng, chi tiết, nhất quán để dễ dàng khi đưa vụ việc ra giải quyết tại cơ quan trọng tài. Do vậy, hiện nay khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài thì VIAC luôn là phương án tối ưu trong điều khoản về trọng tài của VINACONEX.

Hội thảo đã khẳng định rằng hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, tạo  khung pháp lý ngày càng phù hợp hơn với tập quán thương mại quốc tế. Việt Nam đã ban hành Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Thương mại và Luật Đầu tư, Pháp lệnh trọng tài thương mại; ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế đa phương và song phương về công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án và trọng tài nước ngoài, giúp doanh nghiệp giải quyết một cách có hiệu quả các tranh chấp xảy ra và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải có sự lựa chọn đúng đắn cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đầu tư để mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp mình, vừa đảm bảo về thời gian, công sức và cả tiền bạc và uy tín của doanh nghiệp.

Trần Thị Tuý