Đề xuất thành lập Viện đào tạo pháp luật quốc tế La Hay

09/04/2008
Tiếp theo các bài giới thiệu trước đây về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (The Hague Conference in International Private Law) (Hội nghị) và các Công ước La Hay, chúng tôi xin giới thiệu mô hình một thiết chế khác trong khuôn khổ tổ chức này, đang được dự kiến thành lập nhằm đa dạng và tăng cường chức năng của Hội nghị - đó là Viện đào tạo pháp luật quốc tế La Hay (Viện).

Những thông tin về thiết chế  này sẽ góp ích cho việc nghiên cứu khả năng thiết lập quan hệ hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Hội nghị La Hay  trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, đặc biệt là tư pháp quốc tế. Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 vừa qua  tổ chức tại Hà Nội  cũng đề xuất việc các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo pháp luật quốc tế với Viện nói trên.  

1. Giới thiệu 

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một tổ chức liên chính phủ toàn cầu quan trọng về hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Với trên 100 năm kinh nghiệm, Hội nghị cung cấp một loạt Công ước đa phương tác động đến nhiều hoạt động của con người, từ thương mại quốc tế, kể cả thương mại điện tử cho đến bảo vệ của quốc tế đối với trẻ em. Gần đây nhất Hội nghị đã trở nên nổi tiếng hơn vì việc “khởi công” cho việc soạn thảo các Công ước về thành lập các khuôn khổ thể chế về hợp tác giữa các dân tộc. Mục tiêu tối thượng của Hội nghị là hành động vì một thế giới trong đó bất chấp những khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, các cá nhân và công ty có thể được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao. 

Mới đây Hội nghị La Hay đã có cơ hội nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của mình nhằm vạch chiến lược cho tương lai. Quá trình này đã khuyến khích tư duy sáng tạo về cách thức mà Tổ chức này có thể vượt qua những thách thức đang gặp phải và tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được. Sự phát triển chưa từng thấy của Hội nghị La Hay, về mặt thành viên của nó cũng như số lượng quốc gia thành viên của các Công ước La Hay và hoạt động của Hội nghị chứng tỏ sự thành công, nhưng đồng thời điều đó cũng đặt ra những thách thức mới đối với Tổ chức này. Ngoài ra, việc vận hành nhịp nhàng, hiệu quả của cơ chế hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan tư pháp và hành pháp được thành lập theo yêu cầu của những Công ước La Hay thành công nhất đòi hỏi phải duy trì được sự ủng hộ cần thiết. Nhằm đáp ứng đòi hỏi này, Ban Thư ký đã tăng cường mạnh mẽ vai trò của mình trong việc quản lý, theo dõi và hỗ trợ cho việc thực hiện các Công ước hiện hành. Đặc biệt,  theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, Ban Thư ký đã tiến hành và góp phần vào việc đào tạo thẩm phán, các nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn khác. Việc đào tạo này ngày càng quan trọng, đặc biệt là đối với những  quốc gia thành viên còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác pháp luật xuyên biên giới, mà trong trường hợp khác nhiều quốc gia trong số nói trên sẽ không đủ sức thực hiện việc đào tạo như vậy. 

Đã đến lúc việc cung cấp các dịch vụ hậu-công ước cần phải dựa trên một cơ sở vững chắc hơn. Hạn chế nguồn lực, cả nhân lực và tài lực, đã làm giảm khả năng của của Ban Thư ký trong việc cung cấp đẩy đủ các loại dịch vụ mà Ban Thư ký biết chắc là cần thiết. Đặc biệt, tổ chức và đóng góp cho việc đào tạo thẩm phán, các nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn khác là các hoạt động cần nhiều thời gian do vậy chỉ một số ít cán bộ của Ban Thư ký có thể tham gia với mức độ hạn chế. Đặc biệt, cần phải có một phương pháp tiếp cận bài bản hơn trong việc cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, nhất là liên quan đến những Công ước mà muốn thực hiện thành công cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp và hành pháp có thẩm quyền ở các nước có hệ thống pháp luật rất khác nhau.  

Như vậy, ý tưởng này dẫn đến việc thành lập một Viện đào tạo tại Hội nghị La Hay thuộc chịu sự phụ trách chung của Tổng Thư ký. Viện này tập trung vào giáo dục, đào tạo và trợ giúp kỹ thuật cho hoạt động toàn cầu của Hội nghị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, vượt quá khả năng cung cấp của Ban Thư ký. Một Viện riêng biệt sẽ không chỉ tập trung vào huy động các nguồn tài chính công và tư cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng về giáo dục, đào tạo và trợ giúp kỹ thuật, mà còn hữu ích vì Viện là nơi sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Bằng việc tập trung vào sứ mệnh chính của mình, Viện sẽ đủ khả năng cung cấp nhiều hơn các dịch vụ chất lượng cao, mà hiện nay đang do Ban Thư ký cung cấp, với chi phí thấp hơn, tạo ra và cung cấp các loại dịch vụ và sản phẩm mới với thời gian ngắn hơn và tiếp cận được đông đảo cử toạ hơn. Viện sẽ đủ khả năng xây dựng các chương trình và tài liệu được tiêu chuẩn hoá và tránh được hiện tượng “sáng tạo lại lốp xe ô tô” đối với toạ đàm về các Công ước khác nhau, nhắm vào những cử toạ cụ thể. Thông qua việc đàm phán các hợp đồng dài hạn giá hạ với các nhà xuất bản, trường đại học và các tổ chức khác đóng vai trò hỗ trợ trong hoạt động của Viện, Viện sẽ có điều kiện để giảm chi phí hoạt động. Ngoài ra, Viện sẽ khai thác và kết hợp kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong đào tạo với kiến thức, kinh nghiệm pháp luật đã được phát triển đến mức độ cao tại Hội nghị La Hay, qua đó bảo đảm chất lượng và hiệu quả thông qua phân chia lao động. Một Viện đào tạo tại Hội nghị La Hay sẽ có điều kiện kế thừa những công việc mà Ban Thư ký đã làm từ trước tới nay trong lĩnh vực này và hy vọng cân bằng được mối quan hệ cung cầu. Hơn nữa, một Viện đào tạo sẽ đủ khả năng giúp các nước có nhu cầu về đào tạo nhưng không đủ điều kiện để tự mình thực hiện việc đào tạo đó. Cuối cùng, một Viện đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp hiệu quả vào việc phát triển các cơ chế hợp tác tư pháp và hành pháp quốc tế. 

2. Ví dụ về dịch vụ do Viện cung cấp  

Những dịch vụ mà Viện đào tạo sẽ tài trợ và tổ chức sẽ bổ trợ và tăng cường cho các loại dịch vụ  hiện nay đang được Ban Thư ký Hội nghị La Hay cung cấp. Như vậy, để hiểu được mục tiêu của Viện đào tạo cần phải được công việc hiện nay đang làm tại Hội nghị La Hay. 

Một trong những đặc điểm của các Công ước La Hay khiến cho chúng khác với pháp luật quốc gia thuần tuý là sự vắng bóng một cơ quan tập trung hoá, như toà án chẳng hạn, để bảo đảm việc thi hành và áp dụng chúng một cách hiệu quả và thống nhất trong bối cảnh rất đa dạng các Quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa cần có những nỗ lực đặc biệt, thông qua theo dõi và cung cấp đào tạo và trợ giúp kỹ thuật, để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong các nỗ lực tương hỗ của mình nhằm làm cho các Công ước phục vụ cho lợi ích  của công dân mình. Hội nghị La Hay đã nhiều năm đi tiên phong trong việc phát triển và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm theo dõi và hỗ trợ một cách liên tục cho các Công ước cũng như cho các quốc gia thành viên. Những biện pháp kỹ thuật này bao gồm đề nghị kiểm điểm thường xuyên hiệu lực của những Công ước nhất định, cung cấp và khuyến khích đào tạo,  trợ giúp kỹ thuật, phổ biến trên quy mô quốc tế thông tin về thực tiễn và án lệ theo các Công ước có thể tiếp cận được trên Internet, biên soạn các tài liệu hướng dẫn thực hành và phát triển mạng lưới quốc tế của những người như thẩm phán có trách nhiệm theo quy định của các Công ước khác nhau. Dĩ nhiên, Ban Thư ký Hội nghị La Hay sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về tất cả các “dịch vụ hậu-công ước” quan trọng đó bởi vì đó là điểm chính trong sứ mệnh của Hội nghị La Hay, còn Viện đào tạo sẽ tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo và trợ giúp kỹ thuật để hỗ trợ cho công việc của Hội nghị, kể cả các hoạt động sau đây:

·          Đào tạo theo nhu cầu cho thẩm phán, quan chức chính phủ, cán bộ cơ quan trung ương và những người hành nghề luật về các Công ước cụ thể của Hội nghị La Hay trước hoặc sau khi một quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập một Công ước cụ thể.

·          Sự phát triển và quy mô của các sản phẩm (như sổ tay đào tạo và video) nhằm tăng cường việc thực hiện và áp dụng các Công ước La Hay.

·          Các cuộc toạ đàm công cộng để nâng cao kiến thức và khuyến khích nghiên cứu về tư pháp quốc tế và về sự phát triển của các cơ chế hợp tác tư pháp và hành pháp trong lĩnh vực pháp luật dân sự và thương mại. 

Thậm chí nếu các hoạt động giáo dục và đào tạo có phạm vi quốc tế, thì Viện vẫn nên tập trung nỗ lực của mình vào các nước đang phát triển, như các  quốc gia thành viên của Tổ chức hài hoà hoá pháp luật châu Phi (OHADA) và Cộng đồng các quốc gia độc lập, cũng như các quốc gia vùng Trung Mỹ, Caribê và Nam Phi. 

Những dịch vụ này có thể được mở rộng và tăng cường thông qua hợp tác và quan hệ đối tác với các tổ chức khác có mục tiêu tương tự. Đặc biệt, những dịch vụ đó có thể được cung cấp thông qua Viện cho các quốc gia hiện chưa đủ nguồn lực để tự cung cấp hoặc chi trả cho các loại dịch vụ đó. 

3. Hợp tác với các tổ chức quốc tế  

Đặt trụ sở Viện tại La Hay cho phép thiết chế này tranh thủ được lợi thế và đóng góp cho cộng đồng đông đảo các tổ chức và toà án ở La Hay với kinh nghiệm cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau của pháp luật quốc tế. Ví dụ, Viện có thể thuê các cá nhân đã từng làm việc với Hội nghị La Hay, nay đang phục vụ cho các tổ chức La Hay khác và có thể hợp tác với các cơ quan như Viện  Asser, Viện Clingendael và Viện Nghiên cứu xã hội, cũng như các trường đại học tại Hà Lan (và nơi khác), hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế khác nhau được thành lập tại La Hay. Viện cũng có thể tranh thủ mối quan hệ hiện nay  giữa Hội nghị La Hay và Cộng đồng châu Âu và hợp tác với Tổ chức Hội nhập kinh tế khu vực này, cũng như các tổ chức như MERCOSUR và ASEAN.

4. Ví dụ về công việc mà Hội nghị La Hay đã thực hiện liên quan đến giáo dục, đào tạo và trợ giúp kỹ thuật
Toạ đàm và hội thảo pháp luật của thẩm phán

Trong 20 năm qua, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã giữ vai trò tiên phong trong phát triển các cơ chế hợp tác quốc tế, cấp hành chính cũng như tư pháp, nhằm nỗ lực bảo vệ các cá nhân gặp khó khăn trong những vấn đề xuyên quốc gia. Việc phát triển các cơ chế hợp tác này đòi hỏi sự hỗ trợ lớn và thường xuyên mà Cơ quan thường trực đã hết sức cố gắng để cung cấp thông qua nhiều biện pháp, trong đó có tọa đàm mang tính tập huấn. Việc cung cấp hỗ trợ và đào tạo pháp những người chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cơ chế quốc tế về hợp tác xuyên biên giới đặc thù được thiết lập theo quy định của các Công ước La Hay, là điều tiên quyết cho sự thành công của các công cụ pháp lý quốc tế đó. Điều này đặc biệt đúng đối với những quốc gia thiếu kinh nghiệm và nguồn lực. Các toạ đàm như vậy sẽ làm quen thẩm phán, đặc biệt thẩm phán của các quốc gia thành viên mới của các Công ước, với các Công ước cụ thể và tăng cườnhững sự hiểu biết lẫn nhau và mối liên hệ giữa ngành tư pháp và hành pháp của các nước khác nhau. 

Nhìn chung, các toạ đàm và hội thảo liệt kê dưới đây đã cung cấp cho thẩm phán, các quan chức chính phủ khác, những người hành nghề luật và các chuyên gia cơ hội phản ánh và thảo luận về những bước phát triển mới trong tư pháp quốc tế, như liên quan đến các Công ước cụ thể đang là tâm điểm chú ý. Ngoài ra, những toạ đàm này đã tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các thẩm phán, cần thiết cho việc thực hiện có hiệu quả và thống nhất các Công ước. 

1.    Tháng 6 năm 1998, Hội nghị đã tổ chức một cuộc toạ đàm cho thẩm phán về bảo vệ của quốc tế đối với trẻ em. 34 vị thẩm phán đến từ 26 quốc gia đã tham dự toạ đàm. Cuộc toạ đàm do Chương trình Grotius của Liên minh châu Âu tài trợ và là cuộc toạ đàm của thẩm phán đầu tiên do Hội nghị La Hay tổ chức.

2.    Tháng 6 năm 2000, Hội nghị La Hay đã tổ chức cuộc toạ đàm thứ hai cho  thẩm phán về bảo vệ của quốc tế đối với trẻ em. 40 thẩm phán từ 4 quốc gia khác nhau đã tham dự cuộc toạ đàm này. Cuộc toạ đàm được tổ chức bằng đóng góp tự nguyện của các nước tham gia.

3.    Tháng 10 năm 2001, Hội nghị đã tổ chức cuộc toạ đàm thứ ba cho thẩm phán về bảo vệ quốc tế đối với trẻ em tại De Ruwenberg theo đề nghị của Đức và Hoa Kỳ. Tham dự toạ đàm có 31 thẩm phán đến từ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Scốt-len, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ và xứ Wales. Ngoài ra, 13 chuyên gia từ các Cơ quan trung ương và Bộ khác nhau cũng đã tham dự toạ đàm. Toạ đàm này do Chương trình Grotius của Liên minh châu Âu và các nước tham dự tài trợ.

4.    Tháng 9 năm 2000, một hội thảo của các chuyên gia pháp luật từ Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ-đào-nha, Liên bang Nga và Thuỵ Điển để kêu gọi và hỗ trợ Liên bang Nga gia nhập một số Công ước La Hay về hợp tác tư pháp. Hội thảo được tổ chức bằng tiền đóng góp tự nguyện của Phần Lan và Hà Lan.

5.    Tháng 10 năm 2001, một hội thảo của các chuyên gia pháp luật từ Liên bang Nga và các nước khác để thúc đẩy hợp tác tư pháp trong lĩnh vực dân sự liên quan đến các Công ước La Hay. Hội thảo được tổ chức bằng đóng góp tự nguyện của Canađa và Phần Lan. 

6.    Một số toạ đàm tư pháp đã được tổ chức bởi Chương trình TAIEX của Liên minh châu Âu cho Đông Âu tại Ba Lan trong các tháng 9, 10, 11 năm 2000 và tháng 6 năm 2001. Các luật sư của Hội nghị La Hay được mời trình bày tại các cuộc toạ đàm này nhằm làm quen thẩm phán với các Công ước La Hay trong lĩnh vực luật gia đình quốc tế. 

Hội thảo khu vực 

Hội nghị La Hay đã tổ chức và tham gia một số hội thảo khu vực, thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau của các Công ước hiện hành và Công ước mới dự kiến sẽ xây dựng. Ví dụ, để chuẩn bị cho Phiên họp ngoại giao về Công ước La Hay về Luật áp dụng được một số quyền nhất định đối với chứng khoán do bên trung gian nắm giữ, Hội nghị, với sự hỗ trợ tài chính của các quốc gia thành viên và khu vực tư, đã tiến hành 10 cuộc hội thảo khu vực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh. Những cuộc hội thảo này được tổ chức trên cơ sở một loạt các hội thảo khu vực được tổ chức trong năm trước đó, đặt nền móng và tạo điều kiện cho các cuộc hội thảo sau này đạt hiệu quả cao hơn. Liên quan đến các Công ước hiện hành, một hội thảo đã được Tổ chức Union Internationale des Huissiers de Justice (UIHJ) tổ chức cho các quốc gia thành viên của Tổ chức Hài hoà hoá pháp luật châu Phi (OHADA) và được tổ chức tại Sê-nê-gan, đã thảo luận các Công ước về Hợp tác tư pháp và hành pháp và tầm quan trọng của chúng trong một nền tư pháp hoạt động trơn tru đang xử lý các tranh chấp xuyên quốc gia ở châu Phi. 

Những hội thảo này đặc biệt có hiệu quả trong việc tăng cường sự tham gia của một số lượng ngày càng tăng các chuyên gia, nhất là ở những nước có nguồn lực hạn chế và vì thể không đủ khả năng cử đại biểu tham dự tất cả các cuộc họp được tổ chức tại La Hay trong quá trình diễn ra các cuộc đàm phán về đề nghị xây dựng các Công ước mới hoặc thảo luận về các Công ước hiện hành. Bên cạnh đó, các cuộc hội thảo khu vực có thể được tổ chức bằng ngôn ngữ của khu vực, làm tăng cơ hội cho các đại biểu tham gia một cách hiệu quả vào các cuộc thảo luận và nâng cao sự hiểu biết về các vấn đề đang tranh luận. Hơn nữa, các hội thảo này được tổ chức miễn phí và cho phép sự tham dự của bất kỳ ai quan tâm, kể cả quan chức chính phủ, chuyên gia pháp luật, những người hành nghề luật khác và doanh nhân. Trên thực tế, những người hành nghề luật trong khu vực thường đóng vai trò tích cực trong cuộc hội thảo, tạo điều kiện cho các chuyên gia hiểu rõ hơn những vấn đề vướng mắc cụ thể hiện đang gặp phải trong một khu vực và phổ biến cho  luật sư tham dự hội thảo về nội dung của các Công ước hiện hành và các Công ước đang được đề nghị ban hành. Những cuộc hội thảo này là công cụ khai trí vô giá.

5. Các chương trình khoa học và sản phẩm nghiên cứu của  Hội nghị La Hay có thể được sử dụng cho Viện Đào tạo

Hội nghị chuyên đề

Hội nghị La Hay đã tổ chức và/hoặc tham gia một số hội nghị chuyên đề tập trung vào các khía cạnh khác nhau của tư pháp quốc tế có sự phối hợp với các tổ chức khác. Những hội nghị này rất hữu ích vì chúng giới thiệu cho người tham dự về các Công ước La Hay khác nhau và tạo điều kiện cho người tham dự học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia có mặt tại hội nghị. Các hội nghị chuyên đề này được tài trợ bởi các trường đại học, các nguồn tư khác và đôi khi là các quốc gia. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, kết quả của các hội nghị này được công bố. Tương tự, Viện đào tạo có thể hợp tác với các tổ chức khác để tổ chức toạ đàm cho những người hành nghề luật về nhiều Công ước khác nhau dưới sự bảo trợ của Hội nghị. Dưới đây là danh sách những hội nghị chuyên đề mà Hội nghị La Hay đã tổ chức:

1.    Hội nghị về Triển vọng của Tư pháp quốc tế sau khi hết sự chia tách ở châu Âu. Cuộc Hội nghị chuyên đề 3 ngày này được tổ chức vào tháng 4 năm 1992 phối hợp với Viện Tư pháp quốc tế và Luật so sánh của Trường đại học  Osnabrück. Các bài tham luận tại Hội nghị đó đã được đăng bởi Carl Heymanns Verlag KG. Sự kiện này được tài trợ bởi Hội đồng châu Âu (EC) Bộ Tư pháp Đức, Bộ Ngoại giao Hà Lan, Chính quyền tỉnh Lower Saxony, Stadtsparkasse Osnabrück, Kreissparkasse Osnabrück và Trường đại học Osnabrück.

2.    Hội nghị chuyên đề về Vai trò của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế. Hội nghị 3 ngày này được tổ chức tháng 10 năm 1992 phối hợp với Hiệp hội đoàn luật sư Hoa Kỳ và Trung tâm nghiên cứu về xét xử tư của Trường đại học luật Duke. Hội nghị do Hiệp hội đoàn luật sư Hoa Kỳ và  Trường đại học Duke đồng tài trợ.

3.    Hội nghị chuyên đề “Hướng tới một Công ước thuộc tư pháp quốc tế về thiệt hại môi trường”. Hội nghị 3 ngày này được tổ chức tháng 4 năm 1994 với sự phối hợp của Viện Tư pháp quốc tế và Luật so sánh của  Trường đại học Osnabrück. Các tham luận tại Hội nghị đã được xuất bản bởi Carl Heymanns Verlag KG. Sự kiện này do Tổ chức Bundesiftung Umwelt của Đức tài trợ.

4.    Hội nghị chuyên đề “Trẻ em lang thang: làm cách nào để thực hiện quyền có gia đình của chúng”. Hội nghị 3 ngày này được tổ chức tháng 10 năm 1994 phối hợp với Các uỷ ban Hà Lan về Năm gia đình quốc tế. Hội nghị được tài trợ bởi Bộ Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan, Bộ Tư pháp Hà Lan và Tổ chức Martinair Holland. Các tham luận trình bày tại Hội nghị đã được xuất bản bởi Tổ chức Luật quốc tế Kluwer (Kluwer Law International).

5.    Hội nghị chuyên đề “Internet; Toà án nào quyết định, Luật nào được áp dụng?”. Hội nghị được tổ chức năm 1997 phối hợp với Viện Molengraaff của Trường đại học Utrecht. Hội nghị do Trường đại học Utrecht tài trợ.

6.    Hội nghị chuyên đề “Toàn cầu hoá pháp luật về trẻ em: Vai trò của các Công ước La Hay”. Hội nghị này được tổ chức năm 1997 phổi hợp với Trường đại học Tilburg và Tổ chức quốc tế về Luật gia đình. Sự kiện này nhận được sự tài trợ của Quỹ Levi Lassen có trụ sở tại La Hay, Trường đại học Tilburg, Tổ chức Luật quốc tế Kluwer, Tc quốc tế về Luật gia đình và Bộ Tư pháp Hà Lan.

7.    Hội nghị chuyên đề “Luật đạo hồi và sự chấp nhận luật này bởi các Toà án ở Phương Tây”. Hội nghị 3 ngày này được tổ chức vào tháng 10 năm  1998 với sự phối hợp của Viện Tư pháp quốc tế và Luật so sánh,  Trường đại học of Osnabrück. Sự kiện nói trên do Tổ chức  Forschungsgemeinscheft của Đức tại thành phố Bonn, Quỹ Nghiên cứu thúc đẩy tư pháp quốc tế tại La Hay, Tổ chức Khoa học và Văn hoá tỉnh Lower Saxony và Tổ chức Sparkasse Osnabrück. Các tham luận tại  hội nghị chuyên đề này đã được Carl Heymanns Verlag KG xuất bản.

8.    Hội nghị chuyên đề “Hội nghị bàn tròn Geneva về các vấn đề tư pháp quốc tế phát sing trong thời đại thương mại điện tử và Internet”. Hội nghị 3 ngày này được tổ chức tháng 9 năm 1999 với sự phối hợp của Trường đại học Geneva. Hội nghị do Chương trình Grotius của Liên minh châu Âu tài trợ .

9.    Hội nghị các chuyên gia về thương mại điện tử và quyền tài phán quốc tế được tổ chức tháng 2 năm 2000 theo lời mời của Chính phủ Canađa và tài trợ của Bộ Tư pháp Canađa. Một hội nghị thứ hai về cùng chủ đề vào tháng 2 năm 2001 cũng đã được tổ chức theo lời mời của Chính phủ Canađa. Cả hai hội nghị trên đều do Chính phủ Canađa tự nguyện tài trợ. 

6. Ấn phẩm 

Ngoài nội dung diễn biến của Hội nghị ngoại giao đã được Nhà xuất bản SDU xuất bản với chi phí của Bộ Ngoại giao Hà Lan và nhiều ấn phẩm khác từ các hội nghị chuyên đề đã nói ở trên, Hội nghị La Hay còn ấn hành một Tờ tin tư pháp. Tờ tin này, hiện nay do Cơ quan thường trực xuất bản mỗi năm hai lần, được biên soạn nhằm thúc đẩy hợp tác, quan hệ và trao đổi ý tưởng  giữa các thẩm phán và những người khác tham gia xử lý những vụ án về bảo vệ trẻ em trên bình diện quốc tế. Tờ tin nói trên do Butterworths xuất bản và phân phát bằng chi phí của mình cho hơn 350 thẩm phán, những người hành nghề luật và các bên quan tâm khác trên toàn thế giới.

7. Sản phẩm giáo dục 

Hội nghị La Hay đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau có thể sử dụng vào mục đích giáo dục, đào tạo nhằm bảo đảm sự áp dụng thống nhất và hiệu quả các Công ước La Hay:

Sổ tay Công ước La Hay về Tống đạt giấy tờ ở nước ngoài và Sổ tay Công ước La Hay về Thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Những cuốn sổ tay này bình luận về việc áp dụng hai Công ước nói trên, trong đó có trình bày những vấn đề phát sinh trong luật án lệ của nhiều Quốc gia là thành viên của mỗi Công ước. Các sổ tay này là nguồn thông tin quan trọng đối với những người hành nghề luật.

Hướng dẫn về thực tiễn tốt cho các Cơ quan trung ương. Hướng dẫn này, hiện đang được biên soạn, là một bản hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” nhằm giúp thực hiện Công ước La Hay ngày 25/10/1980 về Những khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em trên thế giới. Bản hướng dẫn tập trung vào các vấn đề nghiệp vụ và đặc biệt nhằm vào các quốc gia là thành viên mới của Công ước. Bản hướng dẫn này được xây dựng bằng đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên.

INCADAT. Cơ sở dữ liệu về bắt cóc trẻ em trên thể giới là một sáng đặc biệt tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng nhiều quyết định tư pháp quan trọng của các toà án quốc gia trên toàn thế giới liên quan đến Công ước La Hay năm 1980 về bắt cóc trẻ em trên thế giới. Có thể tìm thấy nội dung tóm tắt hoặc đầy đủ của mỗi vụ án bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong Cơ sở dữ liệu nói trên. Cơ sở dữ liệu này đang nhận được sự tài trợ tự nguyện từ các quốc gia thành viên.

Đặng Hoàng Oanh