Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 2 về Cải cách tranh chấp ngoài Toà án: cơ chế nhằm tăng cường thương mại trong khu vực ASEAN

04/04/2008
Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 2 về "Cải cách tranh chấp ngoài Toà án: cơ chế nhằm tăng cường thương mại trong khu vực ASEAN" (Diễn đàn) diễn ra trong các ngày 26-28 tháng 7 năm 2005 tại Băng Kok, Thái Lan.

Đoàn cán bộ Việt Nam do đồng chí Đặng Hoàng Oanh, chuyên viên Vụ HTQT làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị. Bài viết dưới đây là tổng hợp các nội dung đã thảo luận tại Diễn đàn và các kiến nghị của đoàn công tác liên quan đến tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án tại Việt Nam, cũng như kiến nghị về công tác tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN. Đặc biệt, phần lớn nội dung của  bài viết dành để tổng hợp cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án tại các nước ASEAN. Những nội dung này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng Luật Hoà giải mà Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo.

       Bài viết gồm 03 phần:

1.    Tổng quan về mục đích, cơ cấu, thành phần và chương trình Hội nghị;

2.    Nội dung và kết quả cụ thể của Hội nghị (Tóm tắt cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của các nước ASEAN)

3.    Một số đề xuất và kiến nghị. 

A. TỔNG QUAN VỀ MỤC ĐÍCH, CƠ CẤU, THÀNH PHẦN VÀ CHƯƠNG TRÌNH  CỦA HỘI NGHỊ:

I. Mục đích của Hội nghị:

Tiêu đề của Diễn đàn là "Giải quyết tranh chấp ngoài Toà án: cơ chế nhằm tăng cường thương mại trong khu vực ASEAN." Mục đích của Hội nghị lần này là nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực pháp luật quốc tế; tạo lập ra một diễn đàn để thảo luận về một số vấn đề của pháp luật quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất nhằm phát triển hơn nữa hệ thống pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN. Cụ thể, Hội nghị đã thảo luận về hình thức, nội dung và sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án giữa các nước thành viên ASEAN, đồng thời khám phá và đề xuất khả năng tăng cường việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp nói trên, góp phần đẩy mạnh giao lưu thương mại trong khu vực. 

II.Cơ cấu, thành phần của Hội nghị:

Tham dự Diễn đàn pháp luật ASEAN lần này có đại diện của đầy đủ 10 nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN. Ngoài ra, khoảng hơn 100 quan chức Chính phủ, các thẩm phán, luật gia, luật sư, các nhà nghiên cứu cũng như giáo sư nhiều trường Đại học của Thái Lan cũng tham dự Diễn đàn này. Tổng số đại biểu tham dự  Hội nghị khoảng hơn 200 người.

III. Chương trình của Hội nghị:

Hội nghị chia làm 2 phiên: 01 ngày cho Hội thảo khoa học và 02 ngày cho Diễn đàn chính thức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan đã tham dự phiên khai mạc Diễn đàn pháp luật. Trong 1 ngày Hội thảo khoa học, phía Thái Lan đã mời các chuyên gia nổi tiếng từ các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Hoa Kỳ tới thuyết trình, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia của các nước ASEAN. Các đại biểu tham dự đã có cơ hội chia sẻ thông tin, so sánh thể chế/ thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của khu vực Đông Nam Á với  Hoa Kỳ và  các khu vực khác trên thế giới.  

Tại 02 ngày Diễn đàn pháp luật, Hội nghị đã cử đại diện của Thái Lan và một số nước thành viên thay nhau chủ trì các phiên họp về từng nội dung cụ thể. Trưởng đoàn Việt Nam cũng được mời trình bày tham luận và đồng chủ trì các phiên họp trong cả 02 ngày của Diễn đàn.

B. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ CỤ THỂ CỦA HỘI NGHỊ

I. Tóm tắt cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của các nước ASEAN[1]

1. Brunei

Trong lĩnh vực trọng tài, Brunei đã ban hành Luật Trọng tài. Tuy nhiên, việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp còn là vấn đề mới mẻ ở Brunei và quy định của Luật Trọng tài được xây dựng không dựa trên Luật mẫu của UNCITRAL. Luật Trọng tài  phân biệt rõ các vụ việc trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế. Vụ việc trọng tài được coi là mang yếu tố nước ngoài khi thoả thuận trọng tài đã giao thẩm quyền giải quyết cho trọng tài của nước hoặc lãnh thổ ngoài Brunei, hoặc tổ chức, cá nhân của một bên tranh chấp thường trú hoặc có trụ sở chính ở ngoài Brunei. 

Luật Trọng tài không xác định rõ loại vụ việc có thể tiến hành trọng tài. Tuy nhiên, trong trường hợp Toà án thấy rằng thoả thuận trọng tài là vô hiệu, không thể thực hiện hoặc không có tranh chấp liên quan đến vấn đề đã được thoả thuận thì phán quyết trọng tài có thể bị huỷ bỏ và không được thi hành. Toà án có thẩm quyền chỉ định trọng tài (hoà giải viên) nếu các bên không thoả thuận lựa chọn; việc chỉ định không bị huỷ bỏ ngoại trừ theo quyết định của Toà án. Ngoài ra, Toà án còn có một số thẩm quyền như tạm đình chỉ việc trọng tài, ban hành một số quyết định tạm thời phục vụ cho việc tiến hành trọng tài.

Luật trọng tài tạo cơ chế cho các bên tranh chấp được quyền tự định đoạt trong quá trình tiến hành trọng tài. Luật trọng tài có quy định về thủ tục trọng tài, tuy nhiên, các bên có thể lựa chọn và áp dụng thủ tục của riêng mình, các bên có thể áp dụng thủ tục trọng tài của một trung tâm trọng tài hoặc áp dụng quy tắc của UNCITRAL. Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng theo thoả thuận để tiến hành trọng tài.

Đối với trọng tài quốc tế, Luật không xác định ngôn ngữ tiến hành trọng tài, tuy nhiên, theo thông lệ thì ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Anh. Luật cũng không hạn chế đối tượng có thể trở thành trọng tài ngoại trừ quy định thẩm phán và chánh toà không được chỉ định làm trọng tài viên nếu không được phép của chánh án. Công chức được chỉ định làm trọng tài phải có sự đồng ý của Chủ nhiệm Uỷ ban công vụ.

Về cơ chế phán quyết, trường hợp Hội đồng trọng tài có 2 trọng tài viên mà không nhất trí được thì có thể chỉ định một trọng tài viên thứ ba để đưa ra phán quyết cuối cùng. Trường hợp Hội đồng có 3 trọng tài viên thì phán quyết được coi là có giá trị khi được 2 trọng tài viên nhất trí, hoặc trọng tài viên là chủ tịch hội đồng quyết định. Phán quyết của trọng tài được công nhận và cho thi hành như một bản án của Toà án.

 Luật Trọng tài Brunei thừa nhận việc hoà giải và quy định việc lựa chọn hoà giải viên. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng nếu trong thoả thuận trọng tài các bên đã thoả thuận giải quyết tranh chấp trước bằng phương pháp hoà giải. Theo đó, Toà án có thể chỉ định hoà giải viên để tiến hành hoà giải theo thủ tục trọng tài. Trong trường hợp việc hoà giải không được tiến hành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thì sẽ bị đình chỉ. Thoả thuận giải quyết theo thủ tục hoà giải phải được ký và đóng dấu bởi các bên tranh chấp và có giá trị thi hành như một phán quyết trọng tài.

2. Campuchia

Campuchia có các quy định riêng cho việc giải quyết tranh chấp trong những lĩnh vực khác nhau như:

Hôn nhân và gia đình

Campuchia có truyền thống đưa các tranh chấp đến những người cao tuổi có kinh nghiệm hoặc thầy tu, đạo sĩ hoặc trưởng thôn, trưởng xã để giải quyết. Truyền thống này được duy trì trong hệ thống pháp luật hiện hành. Bộ Tư pháp đã ban hành quy định hướng dẫn các toà án tiến hành hoà giải các vụ dân sự, Thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục tố tụng dân sự (1984) yêu cầu toà án thực hiện hoà giải các vụ án ly hôn trước khi tiến hành xét xử. Thủ tục toà án chỉ được tiến hành nếu việc hoà giải thất bại. Luật Hôn nhân và Gia đình (1989) đã quy định thủ tục hoà giải là một thủ tục bắt buộc đối với các vụ việc gia đình và ly hôn, và do trưởng thôn, trưởng xã tiến hành.

 Tranh chấp đất đai:

Quyền sở hữu đất đai là một lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp do những thay đổi xã hội và chính trị. Sau khi chế độ Khơme sụp đổ năm 1979, đất đai được coi là sở hữu nhà nước nhưng kể từ năm 1989, sở hữu tư nhân về đất đã được công nhận. Do hệ thống đăng ký đất còn kém hiệu quả nên các tranh chấp thường xuyên xảy ra. Campuchia đã thiết lập cơ chế riêng cho giải quyết tranh chấp đất đai bên cạnh hệ thống toà án hiện hành. Hội đồng địa chính được thành lập ở cấp quốc gia, tỉnh và huyện để hoà giải các tranh chấp phát sinh từ loại đất chưa đăng ký hoặc trong quá trình đăng ký đất.

Tranh chấp lao động:

Luật Lao động (1997)  dành một chương để quy định việc giải quyết các tranh chấp lao động, theo đó, tranh chấp lao động có thể được hoà giải qua Bộ Lao động, hoặc  Hội đồng trọng tài hoặc Toà Lao động. Tại Campuchia, chỉ có duy nhất một tổ chức trọng tài được thành lập năm 2002 và giao cho Bộ Lao động và đào tạo nghề quản lý để giải quyết các tranh chấp lao động tập thể - các tranh chấp quyền và lợi ích, gọi là Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài là một tổ chức độc lập được thành lập để giải quyết các tranh chấp không thể tiến hành bằng phương pháp hoà giải. Hội đồng mang tính chất 3 bên, bao gồm 3 trọng tài viên đại diện cho: người lao động, người sử dụng lao động và Bộ Lao động và đào tạo nghề. Tranh chấp sẽ được Hội đồng giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp các bên tranh chấp thoả thuận kéo dài thời hạn này. Tuy theo thoả thuận của các bên, phán quyết của Hội đồng có thể mang tính chung thẩm hoặc không chung thẩm. Trường hợp phán quyết là chung thẩm thì các bên không được khiếu nại và quyết định được thi hành.

Tranh chấp thương mại:

Trong lịch sử, Campuchia đã từng có Luật trọng tài theo mẫu của Pháp năm 1960 nhưng Luật này chưa được thực hiện. Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế - xã hội, một dự thảo Luật mới về trọng tài đang được soạn thảo theo luật mẫu UNCITRAL. Hiện nay, Luật Đầu tư (1994) quy định vai trò của Hội đồng phát triển của Campuchia trong việc hoà giải các tranh chấp liên quan đến đầu tư. Bên cạnh đó, các tranh chấp thương mại có thể được tiến hành Vụ pháp luật thuộc Bộ Thương mại hoặc Vụ sở hữu trí tuệ (đối với các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ). Bộ Kinh tế và tài chính cũng đang thành lập Uỷ ban trọng tài để giải quyết tranh chấp về thuế.

Tranh chấp thương mại quốc tế:

Campuchia đã thông qua Luật công nhận và thực hiện Công ước Newyork năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, theo đó, thẩm quyền này được giao cho Toà Phúc thẩm. Quyết định của Toà Phúc thẩm về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài có thể bị Toà án tối cao xem xét lại nếu có khiếu nại của một bên tranh chấp. Tuy nhiên, cho đến nay, Campuchia vẫn chưa nhận được yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết nào của trọng tài nước ngoài.

Ngoài ra, Campuchia cũng đã gia nhập Công ước giải quyết tranh đầu tư giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ năm 1965. Tháng 12/2003, Campuchia đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vì vậy, nhiều quy định đã được sửa đổi hoặc thông qua để thực hiện các nghĩa vụ của thành viên tổ chức này.

3. Indonexia

Phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hoà giải được sử dụng phổ biến trong xã hội ở Indonexia. Theo Luật trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế năm 1999 thì trọng tài là thủ tục giải quyết tranh chấp tư nhân ngoài toà án dựa trên thoả thuận trọng tài do các bên lập. Hiện nay, ở Indonexia có một số tổ chức trọng tài sau đây:

Cơ quan trọng tài quốc gia Indonexia (BANI):

Cơ quan này được thành lập năm 1977 theo đề xuất của Phòng thương mại và công nghiệp Indonexia. Cơ quan này giải quyết tranh chấp liên quan đến thương mại, công nghiệp, tài chính, xây dựng … thông qua trọng tài, hoà giải, thương lượng. Hội đồng trọng tài thường gồm có 3 trọng tài viên. Mỗi bên tranh chấp được lựa chọn một trọng tài viên và hai trọng tài viên được lựa chọn sẽ chọn một trọng tài viên làm chủ tịch Hội đồng. Mỗi trọng tài viên có một phiếu biểu quyết và phán quyết được thiết lập trên cơ sở đa số. Phán quyết trọng tài sẽ mang tính chung thẩm và có giá trị bắt buộc, không được khiếu nại. Phán quyết trọng tài sẽ được đăng ký tại Toà án nơi bên thua kiện có trụ sở chính. Trong trường hợp bên thua kiện không tự nguyện thi hành phán quyết thì bên thắng kiện sẽ yêu cầu Toà án cho thi hành phán quyết.

Cơ quan trọng tài chứng khoán (BAPMI)

Được thành lập năm 2002 để giải quyết các tranh chấp giữa các nhà kinh doanh chứng khoán.

Cơ quan trọng tài quốc gia Syariah (Basyarnas):

Thiết chế này do Hội đồng Ulemas Indonexia thành lập nên. Cơ quan này có một thủ tục tố tụng riêng và có thẩm quyền điều tra và giải quyết tranh chấp giữa các ngân hàng hoạt động ngân hàng luật Syariah Islam. Phán quyết của cơ quan này là chung thẩm và có giá trị bắt buộc. Việc thi hành phán quyết của cơ quan này tương tự việc thi hành phán quyết của BANI được quy định trong Luật Trọng tài.

4.Malaysia

Trọng tài

 Đạo luật về trọng tài 1952 (Arbitration Act 1952)

-  Được xây dựng tương tự Luật về Trọng tài của Anh năm 1950.

-  Đạo luật quy định Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản của các bên. Các bên có quyền thoả thuận lựa chọn trọng tài viên, trong trường hợp không lựa chọn được thì Toà cấp cao (High Court) sẽ chỉ định trọng tài viên.

-  Các thủ tục tiền xét xử do trọng tài viên tự lựa chọn, trừ khi trong thoả thuận trọng tài có quy định việc áp dụng một thủ tục đã định trước, ví dụ áp dụng thủ tục trọng tài của UNCITRAL, ICC hoặc Viện kỹ thuật Malaysia ...

-  Trừ khi có những chứng cứ quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc,  việc xét xử được thực hiện trên cơ sở tranh tụng, trọng tài xem xét vụ việc trên cơ sở lập luận và chứng cứ của các bên đưa ra.

-  Luật Trọng tài 1952 quy định quyết định trọng tài là chung thẩm và có giá trị thi hành. Quyết định sẽ được thi hành theo các phương pháp như là bản án, quyết định của Toà án.

Dự kiến sửa đổi Đạo luật 1952

Đạo luật về trọng tài 1952 của Malaysia ban hành trên 500 năm. Đạo luật cần được sửa đổi để đáp ứng nhu cầu về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của Malaysia, các quy chế trọng tài quốc tế cũng như trong nước. Malaysia dự kiến sử dụng khuôn mẫu của Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL để xây dựng đạo luật mới về Trọng tài.

·     Thương lượng (Mediation):

Thương lượng theo Đạo luật về Trợ giúp pháp lý 1971:

-  Đạo luật về trợ giúp pháp lý 1971 quy định việc trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng và lĩnh vực pháp luật được quy định theo luật. Đạo luật quy định Chính phủ có trách nhiệm cung cấp các phương tiện để giúp người dân giải quyết các tranh chấp trước khi đưa ra Toà án, do đó cơ chế về "Thương lượng" được thiết lập. "Thương lượng" đã định nghĩa là các hoạt động nhằm giúp các bên tranh chấp trao đổi, thảo luận để giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của một bên hoặc đề nghị của Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý. Các tổ chức thương lượng do Cục trợ giúp pháp lý phụ trách theo uỷ quyền của Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng.

- Các tranh chấp có thể áp dụng biện pháp thương lượng bao gồm các tranh chấp về cấp dưỡng, giám hộ, ly hôn, các tranh chấp nhỏ, ví dụ: bồi thường do tai nạn mô tô, thuê nhà...

- Cơ quan phụ trách việc thương lượng không được cưỡng chế các bên tranh chấp  tham gia quá trình thương lượng. Các bên có thể rút khỏi việc giải quyết thương lượng bất cứ lúc nào. Do đó, biện pháp này còn chưa đem lại nhiều hiệu quả.

- Quyết định giải quyết thương lượng không có giá trị cưỡng chế đối với các bên, trừ khi các bên ký vào văn bản thoả thuận.

- Người đứng ra là trung gian cho việc thương lượng được chỉ định bởi Văn phòng Thủ tướng.

Hoà giải.

Hoà giải theo Đạo luật về các quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp 1967

- Giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực công nghiệp ở Malaysia được quy định tại Đạo luật về các quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp năm 1967. 

- Đạo luật thiết lập ra cơ quan nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại với một số quyền hạn nhất định được quy định trong luật. Trong trường hợp hoà giải không thành, cơ quan này sẽ thông báo cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Đạo luật quy định Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có quyền quyết định việc đưa vụ tranh chấp ra Toà về các vấn đề công nghiệp hay không.

- Theo thống kê, có 40% liên quan đến công nghiệp đã được giải quyết thành công bằng phương pháp hoà giải theo quy định của Đạo luật này.

Hoà giải theo luật về hôn nhân và ly hôn sửa đổi năm 1976.

- Hoà giải là bắt buộc theo Luật này khi tiến hành các thủ tục ly hôn. Chỉ khi có xác nhận hoà giải không thành của cơ quan hoà giải thì Toà án mới tiếp tục xem xét vụ việc. Thời hạn để hoà giải là 6 tháng, quá thời hạn này mà vẫn không hoà giải thành thì Cơ quan hoà giải phải cấp giấy xác nhận việc hoà giải không thành.

5. Myanmar

-    Myanmar chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh-Mỹ từ năm 1826 (Myanmar trước đây là thuộc địa của Anh). Tuy nhiên, trong các lĩnh vực hôn nhân gia đình, thương mại, thừa kế v.v Myanmar vẫn áp dụng các luật tục truyền thống của mình.

-    Liên bang Myanmar giành được độc lập từ năm 1948. Từ đó, Myanmar thực hiện nền kinh tế thị trường. Từ năm 1964 đến năm 1968, Myanmar chuyển sang nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1988 đến nay,  Myanmar quay lại kinh tế thị trường và ban hành nhiều luật mới, như luật đầu tư nước ngoài năm 1989, luật đầu tư trong nước năm 1994.

-    Về hệ thống ADR, Myanmar hiện chưa có cơ chế và khung pháp lý cho việc phát triển hệ thống này. Tuy nhiên, nước này cũng đang dự thảo một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này.  

6. CHDCND Lào

Bên cạnh hệ thống toà án, CHDCND Lào còn có hai hệ thống cơ quan liên quan đến giải quyết tranh chấp, đó là: các đơn vị giải quyết tranh chấp cơ sở và các tổ chức trọng tài kinh tế cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

  Đơn vị giải quyết tranh chấp cơ sở

- Để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp tại cơ sở, nâng cao ý thức pháp luật, duy trì ổn định và trật tự xã hội, góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp của người dân, một Đơn vị giải quyết tranh chấp tại mỗi cấp cơ sở đã được thành lập năm 1997 theo Quyết định số 304/MOJ ngày 7/08/1997 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp cơ sở đồng thời kiêm nhiệm phụ trách các đơn vị này. Thành phần của đơn vị gồm có đại diện của Mặt trận xây dựng quốc gia Lào, Hội Phụ nữ, Công Đoàn, Đoàn thanh niên tại cơ sở và ba người dân có uy tín trong cộng đồng.

- Hầu hết các tranh chấp được giải quyết là các vấn đề dân sự và thương mại, bao gồm cả ly hôn. Mọi tranh chấp về dân sự  và thương mại nếu chưa được xem xét tại Đơn vị  này thì sẽ không được Toà án thụ lý.  

Tổ chức trọng tài kinh tế

- Tổ chức trọng tài kinh tế được thiết lập năm 1995 theo Quyết định số 106/PM ngày 15/07/1994 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các tranh chấp kinh tế.

- Đây là một tổ chức trực thuộc Bộ Tư pháp, đóng vai trò giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xúc tiến đầu tư nước ngoài.

- Có hai loại hình được áp dụng để giải quyết các tranh chấp: Thượng lượng qua trung gian và Trọng tài. Phán quyết của Trọng tài không có giá trị cưỡng chế thi hành nếu không có xác nhận của Toà án.

- Hiện nay, Quốc hội CHDCND Lào Khoá 7 đang xem xét Dự thảo Luật về giải quyết tranh chấp kinh tế và sẽ ban hành trong thời gian tới. 

 Các hình thức khác 

Ngoài hai hình thức nêu trên, các tranh chấp liên quan đến dân sự, gia đình, thương mại, các vấn đề hình sự ít nghiêm trọng cũng có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải do các tổ chức, đoàn thể xã hội tiến hành, như Công đoàn, Hội Phụ nữ v.v. Trong trường hợp hoà giải thành, biên bản hoà giải có chữ ký của các bên tranh chấp và đại diện của các tổ chức liên quan sẽ được coi là cơ sở để Toà án ra quyết định giải quyết tranh chấp đó.  

7. Singapore

Hoạt động trọng tài nói riêng, cơ chế lựa chọn giải quyết tranh chấp ngoài toà án nói chung tại Singapore được quan tâm và phát triển từ lâu, có thể nói là phát triển nhất trong khối ASEAN và khu vực châu Á.

Về mô hình tổ chức, Singapore có 01 Trung tâm Trọng tài Quốc tế và 01 Trung tâm Hoà giải ở phạm vi quốc gia.

 Hiện nay, Chính phủ Singapore đã có nhiều chương trình nhằm phát triển cơ chế và tăng cường sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài toà án (ADR):

- Phổ biến hoạt động hoà giải (đưa hoạt động hoà giải đến với cộng đồng);

- Thể chế hoá việc giáo dục về ADR cho tầng lớp thanh niên ở các cấp;

- Hoạt động bào chữa dựa theo cơ chế ADR.

Các thiết chế ADR ở Singapore rất coi trọng việc sử dụng công nghệ tin học trong quá trình hoạt động của mình. Hệ thống Trung tâm giải quyết tranh chấp qua mạng điện tử đã được thiết lập, ví dụ: e@dr   nhằm cung cấp dịch vụ liên quan đến toà án và CDRI- Tòa án giải quyết tranh chấToàuốc tế. e@dr là hệ thống cho phép một người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể gửi đơn kiện qua thư điện tử mà không cần trực tiếp đi kiện tại toà án. Hơn nữa, các cơ chế ADR mới, ví dụ như kết hợp Hoà giải – Trọng tài (Med-Arb), được đưa ra nhằm khuyến khích giải quyết thành công các tranh chấp.

Nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc phát triển ADR nói chung và hoạt động trọng tài nói riêng, Chính phủ Singapore đã có một số định hướng sau đây:

Củng cố và tăng cường năng lực của cơ chế ADR - bao gồm 4 bước rất quan trọng, đó là:

- Sơ tuyển - nhằm tìm kiếm một người lãnh đạo có “thẩm quyền” và chú trọng cả chỉ số IQ lẫn EQ.

- Đào tạo nhân lực – cần quan tâm đến chất lượng của đội ngũ trọng tài viên, hoà giải viên, họ không chỉ được công nhận mà còn phải được nâng cao trình độ.

- Đánh giá - hoạt động này được tiến hành hàng năm nhằm cập nhật và đánh giá chất lượng của các hoà giải viên.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên – thông qua việc tổ chức lớp đào tạo (dành cho cá nhân), hội thảo, thảo luận (các tình huống chia sẻ kinh nghiệm), các cuộc khảo sát (các bên liên quan và hoà giải viên điền phiếu khảo sát) và thông tin phản hồi.

 Tạo sự tin cậy đối với việc sử dụng ADR trong hoạt động thương mại và đời sống xã hội

- Mục tiêu là tạo được niềm tin, sự hài lòng cho các bên tranh chấp trong suốt quá trình hoà giải hoặc trọng tài

- Phẩm chất cần có của hoà giải viên, trọng tài viên là:

· Vô tư : công khai bất kỳ trường hợp nào có xung đột lợi ích

· Phân xử công bằng : tiến hành quá trình hoà giải, trọng tài một cách công bằng hết sức về thời gian và lý lẽ đưa ra cho cả hai bên

· Đánh giá: cần tránh nói với các bên rằng tình trạng vụ việc của họ tốt hoặc xấu, trừ khi người đó đề nghị

· Lựa chọn: tránh đưa ra các phương án để lựa chọn, chỉ nên phân tích ưu thế hoặc hạn chế để các bên tự quyết định

· Bảo mật thông tin: là một phẩm chất hết sức quan trọng

· Tư cách đạo đức : cần xây dựng và ban hành luật về đạo đức của trọng tài viên, hoà giải viên. 

8. Thái Lan

Trọng tài và hoà giải là hai phương thức phát triển nhất trong cơ chế ADR của Thái Lan.

Về trọng tài

- Lịch sử phát triển của trọng tài có từ nhiều thế kỷ, tuy nhiên cho đến khi có cải cách tư pháp vào những năm 1930 thì chế định này mới thực sự được chú trọng. Bộ Luật tố tụng dân sự có quy định về trọng tài với cả hai dạng là trọng tài theo  thủ tục tố tụng tại toà án và trọng tài ngoài toà án. Hai hình thức trọng tài này hầu như chỉ tồn tại trong các quy định pháp luật mà hiếm khi được áp dụng trong thực tiễn tư pháp ở Thái Lan.

- Luật Trọng tài đầu tiên được ban năm 1987. Cùng với việc thành lập Viện Trọng tài Thái Lan (tên tiếng Anh viết tắt là TAI) vào năm 1990, Luật trọng tài đã thúc đẩy sự phát triển trọng tài ở Thái Lan theo xu hướng hiện đại. Ban đầu chỉ có 1 tổ chức trọng tài là Viện Trọng tài Thái Lan hoạt động, cho đến nay đã có một số thiết chế trọng tài khác chuyên sâu vào từng loại tranh chấp cụ thể.

Sau đó, Luật Trọng tài đã được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 30/4/2002. 

Từ chỗ chỉ là một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, hoạt động trọng tài ngày nay đã được sử dụng như một biểu tượng của “quản lý hiệu quả” trong một số ngành.

 Thẩm quyền của trọng tài:

Theo Luật Trọng tài trước đây, không có quy định về thẩm quyền của hội đồng trọng tài đối với vấn đề xem xét lại thẩm quyền xét xử trọng tài, mà chỉ được yêu cầu toà án quyết định về vấn đề pháp luật. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và sau đó được sửa đổi bằng quy định cho phép hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng quyền tài phán về các nội dung như: việc thoả thuận trọng tài có tồn tại hoặc có hiệu lực, hiệu lực của việc chỉ định hội đồng trọng tài, và các vấn đề tranh chấp thuộc phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Luật Trọng tài cũng quy định thủ tục cho các bên đưa ra vấn đề thẩm quyền xét xử của hội đồng trọng tài.

Tính độc lập của thoả thuận trọng tài:

Luật Trọng tài mới đã thể hiện rõ hơn so với luật cũ về mối quan hệ giữa thoả thuận trọng tài và hợp đồng chính. Theo hướng dẫn của Bộ luật Dân sự và Thương mại thì thoả thuận trọng tài được coi như các loại hợp đồng khác. Tuy nhiên, tính pháp lý của thoả thuận trọng tài vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào việc giải thích từng trường hợp, để có lợi hơn cho một bên nào đó trong vụ tranh chấp. Luật trọng tài mới có quy định rằng, để xác định hiệu lực của thoả thuận trọng tài thì phải coi nó là một thoả thuận độc lập so với hợp đồng chính. Do vậy, khi hợp đồng chính được tuyên là vô hiệu và bị huỷ thì hiệu lực của thoả thuận trọng tài  cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng.

 Miễn trừ trách nhiệm của trọng tài viên

Với quan điểm về vai trò của hội đồng trọng tài tương tự như toà án, và quyền lực của trọng tài được hình thành từ sự đồng ý lựa chọn của các bên, pháp luật trọng tài của Thái Lan đã quy định trọng tài viên không phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi của mình trong khi thực hiện nghĩa vụ của trọng tài viên, trừ khi trọng tài viên gây thiệt hại cho một bên do hành vi cố ý hoặc bất cẩn nghiêm trọng. Pháp luật quy định chuẩn mực trách nhiệm của trọng tài viên cao hơn so với khiếu kiện bồi thường thông thường và có tiêu chí rất khó chứng minh. Vì vậy, trọng tài viên sẽ cảm thấy thoải mái trong khi thực hiện nhiệm vụ mà không lo sợ bị một bên nào khiếu kiện mình.    

Bên cạnh đó, luật trọng tài mới sửa đổi còn có quy định về một số vấn đề khác như :

-         Quy định hạn chế: các hạn chế theo luật định sẽ không được tiếp tục áp dụng khi thủ tục trọng tài được bắt đầu. Cụ thể là từ thời điểm một bên nhận được thông báo của bên kia về việc tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài, thông báo để bên kia chỉ định trọng tài hoặc chấp nhận việc chỉ định trọng tài, hoặc khi một bên thông báo cho hội đồng trọng tài đã được xác định trong hợp đồng hay trong thoả thuận trọng tài.

-         Các biện pháp bảo vệ tạm thời: một bên tranh chấp có thể yêu cầu toà án ra lệnh áp dụng biện pháp bảo vệ tạm thời trước thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài. Khi có yêu cầu này, bên yêu cầu phải tiến hành thủ tục trọng tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày có lệnh của toà án hoặc theo thời hạn khác do toà án quy định. Để xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ, toà án sử dụng các tiêu chí tương tự như đối với các vụ việc theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Một bên tranh chấp luôn có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ theo luật định trong khi tố tụng trọng tài đang tiến hành.         

-         Quyền quyết định của chủ tịch hội đồng trọng tài: Thông thường hội đồng trọng tài quyết định theo nguyên tắc đa số. Tuy nhiên, trong phần lớn các vụ tranh chấp, đặc biệt là khi không có đa số ý kiến đồng ý, thì ý kiến của chủ tịch hội đồng trọng tài thường là lựa chọn hợp lý và hợp tình. Vì vậy, luật trọng tài tôn trọng và trao quyền quyết định cuối cùng cho chủ tịch hội đồng trọng tài. 

-         Thi hành quyết định trọng tài: Theo luật trọng tài trước đây, thì các bên phải yêu cầu toà án thi hành quyết định trọng tài trong vòng 1 năm sau khi nhận được phán quyết. Thời hạn này là không đủ, đặc biệt là đối với phán quyết trọng tài có liên quan đến nước ngoài phải qua nhiều thủ tục, và thiếu tính linh hoạt trong trường hợp quyết định trọng tài đề cập đến thoả thuận cho phép một bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn quá một năm. Luật trọng tài mới quy định thời hạn thi hành quyết định trọng tài là 3 năm, đối với cả hai loại quyết định trọng tài trong nước và nước ngoài. Một điểm linh hoạt hơn là quy định về thời hạn sẽ bắt đầu kể từ ngày phán quyết trọng tài được thi hành. 

Để thúc đẩy việc sử dụng trọng tài, đảm bảo tính thống nhất trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật, toà án thương mại quốc tế và sở hữu trí tuệ đã được thành lập theo luật định nhằm giúp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại toà án này, nơi có đầy đủ phương tiện, quy chế và đội ngũ thẩm phán hiểu biết nhiều về trọng tài.

Các căn cứ từ chối việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài được quy định phù hợp với Công ước New York, để giới hạn việc xem xét phán quyết bởi toà án được quy định rõ ràng hơn, tập trung hơn vào vấn đề “thủ tục hợp lý” và ít có khiếu nại về quyết định trọng tài.     

Nguyên tắc tố tụng trọng tài và phán quyết trọng tài không bị kháng cáo lên toà án cấp trên cũng được luật quy định, trừ một số trường hợp hạn chế theo luật  (íi dụ: việc công nhận hoặc thi hành quyết định trọng tài là trái với chính sách công; trình tự và phán quyết không phù hợp với quyết định trọng tài ...). Việc xét xử phúc thẩm sẽ do Toà án Tối cao hoặc Toà án hành chính tối cao trực tiếp thụ lý (trước đây phải đi theo trình tự từ toà sơ thẩm lên toà phúc thẩm và cuối cùng lên Toà tối cao).

Điều khoản trọng tài trong hợp đồng hành chính:

Ở Thái Lan, hầu hết các hợp đồng giữa cơ quan chính phủ với các bên tư nhân đều có điều khoản về trọng tài. Khi có tranh chấp xảy ra theo hợp đồng, các bên sẽ đưa tranh chấp ra hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, việc thành lập toà án hành chính đã có ảnh hưởng tới hiệu lực của điều khoản trọng tài này. Có quan điểm cho rằng thẩm quyền của hội đồng trọng tài là không phù hợp với thẩm quyền của toà án hành chính, và tranh chấp trong những trường hợp này thuộc quyền tài phán của toà án theo luật công. Do đó, pháp luật đã bổ sung một số yếu tố đảm bảo thông qua việc quy định các bên trong hợp đồng giữa cơ quan chính phủ và một bên là tư nhân, có quyền thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, và điều khoản trọng tài có giá trị ràng buộc các bên. Tuy nhiên, trên thực tế có ý kiến cho rằng toà án không hoan nghênh phương thức trọng tài trong các hợp đồng hành chính. Bên thắng kiện yêu cầu toà án thi hành bản án liên quan đến hợp đồng dạng này và toà án sơ thẩm ra quyết định ưu ái bên thắng kiện. Bản án của những vụ kiện này thường rất dày bởi nó liên quan tới dự án lớn và phán quyết về thiệt hại thường rất cao.      

Viện Trọng tài Thái Lan (TAI)

Khi mới được thành lập (1990), TAI trực thuộc Bộ Tư pháp, sau đó được chuyển sang Toà án tư pháp theo quy định của Hiến pháp mới và chịu sự quản lý của Cục giải quyết tranh chấp.  

Quy tắc trọng tài của TAI chịu nhiều ảnh hưởng của Quy tắc mẫu UNCITRAL, quy định rất linh hoạt và cụ thể, cho phép các bên ký kết và thoả thuận việc tiến hành tố tụng với khuôn khổ rộng nhất. TAI cung cấp dịch vụ miễn phí, các bên chỉ phải trả chi phí thực tế phát sinh trong quá trình xét xử trọng tài. TAI thực hiện hoạt động trọng tài theo quy chế và trọng tài vụ việc. TAI có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ và công nghệ. Kết quả giải quyết các tranh chấp của TAI tăng đều qua các năm, trừ giai đoạn đỉnh cao của khủng hoảng kinh tế là đạt mức rất cao: năm 1998- 80 vụ, năm 1999- 109 vụ, năm 2003 –72 vụ, năm 2004- 127 vụ.

Ngoài TAI, còn có một số tổ chức trọng tài khác như:

- Uỷ ban Trọng tài thuộc Uỷ ban Thương mại Thái Lan: được thành lập lâu đời nhất, từ năm 1968, nhưng ít có hoạt động. Năm 2000, Uỷ ban trọng tài này ban hành bộ quy tắc mới với tên gọi là Quy tắc Trọng tài Thương mại, có một số nội dung tương tự Quy tắc trọng tài của Trung tâm trọng tài thương mại Quốc tế (ICC). Hoạt động của uỷ ban này tạo mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng kinh doanh của Thái Lan và là một trong những lực lượng chính góp phần phát triển trọng tài tại Thái Lan.

- Cơ quan Trọng tài của Uỷ ban giao dịch và chứng khoán: được thành lập năm 2001, đặt dưới sự quản lý của Uỷ ban giao dịch và chứng khoán. Chức năng của nó là quản lý trọng tài liên quan đến thương mại chứng khoán và kinh doanh quỹ tương hỗ; giải quyết tranh chấp giữa các công ty thành viên (môi giới chứng khoán và quỹ tương hỗ), giữa công ty với khách hàng.

- Văn phòng trọng tài thuộc Hiệp hội công ty bảo hiểm phi nhân thọ: Phối hợp với TAI thành lập Văn phòng trọng tài năm 1994, để giải quyết các tranh chấp liên quan đến khiếu nại về chính sách bảo hiểm của các thành viên. Từ năm 1998 đến 2001, hiệp hội này đã xử lý trên 5000 vụ tranh chấp mỗi năm. 

- Trọng tài về sở hữu trí tuệ: Hàng năm các tranh chấp về sở hữu trí tuệ đều gia tăng. Trước đây, các tranh chấp này được giải quyết theo thủ tục tố tụng của toà án. Từ năm 2002, Cục Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ Thương mại) đã thành lập tổ chức dịch vụ trọng tài về sở hữu trí tuệ, trên cơ sở hợp tác với TAI. Mục đích của Cục Sở hữu trí tuệ là giúp đỡ những người có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có thể giải quyết tranh chấp của họ một cách thân thiện và không bị chậm trễ vô lý, để họ có khả năng tập trung hơn vào sáng tạo các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Hình thức trọng tài này mới được bắt đầu hoạt động, do vậy cần có một thời gian nữa mới thấy rõ được kết quả.

- Trọng tài của Hiệp hội mua bán cao su: Hiệp hội này phối hợp với TAI để thành lập chi nhánh về trọng tài từ vài năm trước đây, quy định một bộ quy tắc trọng tài để các thành viên của hiệp hội giải quyết các tranh chấp liên quan đến mua bán cao su. Tổ chức này cũng cung cấp một số dịch vụ hành chính của tố tụng trọng tài. Tổ chức trọng tài chỉ tham gia vào một số ít tranh chấp với số thành viên hạn chế, nên hoạt động trọng tài chưa được nhiều người ngoài hiệp hội biết đến. Tuy nhiên, hiệp hội này đã mở thêm một lĩnh vực mới cho hoạt động trọng tài ở Thái lan.

 Các loại tranh chấp được giải quyết bằng  trọng tài

Ngoài một số dạng tranh chấp theo thẩm quyền của các tổ chức trọng tài khác, những tranh chấp mà các bên đưa ra trọng tài theo thẩm quyền của TAI là rất đa dạng. Một trong số chủ thể thường xuyên sử dụng trọng tài là các cơ quan Chính phủ hoặc các pháp nhân của nhà nước. Các giao dịch liên quan đến các cơ quan Chính phủ hoặc các pháp nhân của nhà nước dễ có nguy cơ tranh chấp, bởi vì Chính phủ thường có thủ tục hành chính gây phiền hà cho việc thực hiện giao dịch, và chính sách cũng thường xuyên thay đổi theo đảng nắm quyền trong Chính phủ. Một số dự án lớn của Chính phủ đã được đưa ra trọng tài khá thường xuyên. Một khách hàng lớn khác của trọng tài ở Thái Lan là các công ty xây dựng và phát triển. Điều này khá dễ hiểu và cũng là chuyện thường xảy ra ở nhiều nước khác, bởi lẽ các dự án xây dựng thường có nhiều vấn đề và luôn có sự khác biệt giữa các bên trong suốt thời gian dự án. Một số loại tranh chấp khác bao gồm: tranh chấp liên quan đến hợp đồng hợp danh và hợp đồng liên doanh, thoả thuận công ty, các hợp đồng công cụ đàm phán, thoả thuận mua bán chứng khoán, hợp đồng bán hàng, hợp đồng bảo hiểm v.v.   

·        Về hoà giải

Người Thái thường ưa chuộng việc lựa chọn giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Hoà giải là một biện pháp nhằm đạt hiệu quả như vậy trong giải quyết tranh chấp trong suốt lịch sử Thái Lan. Khoảng 700 năm trước, thời Vua Ramkamhang, cộng đồng dân cư còn ít, Vua có vai trò quan trọng trong việc hoà giải tranh chấp trong dân cư. Cơ chế hoà giải đã được sử dụng trong quá khứ, tuy nhiên, thời đó chưa có cơ chế cụ thể để phân biệt các tranh chấp đưa ra hoà giải. Hoà giải mới chỉ được dùng để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng nơi mà các bên tranh chấp có thể tìm đến một số thành viên đáng kính của cộng đồng. Trong cộng đồng kinh doanh và thương mại, đôi khi cũng dùng đến hoà giải khi các bên trong tranh chấp có quen biết nhau trước đó và cùng có chung một người đáng tôn trọng làm vai trò hoà giải. Thông thường rất khó đưa bên tranh chấp ngồi vào bàn hoà giải. Vì thế, hoà giải có vai trò khá hạn chế trong thủ tục tư pháp ở Thái Lan.

Hiện nay có hai hình thức hoà giải: 1) hoà giải là một phần của thủ tục tố tụng tại toà án và 2) hoà giải ngoài toà án.

 Năm 1999, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi đã quy định về hoà giải tại toà án. Toà án có quyền tiến hành hoà giải với một bên trong tranh chấp, cho phép hoặc không cho phép luật sư của bên đó tham gia. Quy định này đã mở cửa cho toà án chỉ định hoà giải viên trung lập để giúp hoà giải quyết các tranh chấp, và hình thành một hệ thống hoà giải hỗ trợ toà án, là một công cụ quan trọng để giảm bớt vụ việc của toà án. Toà án tối cao Thái Lan đã ban hành 2 quy chế về hoà giải. Trong đó, hoà giải tranh chấp về tài chính do Cục giải quyết tranh chấp (Bộ Tư pháp) thực hiện, thông qua một số hoà giải viên đã được đăng ký tên và được tập huấn về tài chính.

Hoà giải các tranh chấp nói chung do toà án thực hiện: Theo cơ chế này có 2 loại hoà giải viên. Thứ nhất là hoà giải viên-thẩm phán, do toà án chỉ định, thường giải quyết những vụ việc lớn và phức tạp, và có xu hướng được các bên tin cậy và sử dụng khá nhiều. Thứ hai là hoà giải viên tự do - được lựa chọn theo quy chế, họ là những người có trình độ khác nhau như luật, kinh tế, khoa học xã hội …Họ được học qua lớp bồi dưỡng và đăng ký tên tại toà án.                

Cả hai hình thức này đều dựa trên cơ sở thoả thuận của các bên, nguyên tắc bảo mật thông tin cấm các bên tham gia hoà giải sử dụng bất kỳ thông tin nào trong quá trình giải để đưa ra tố tụng toà án, nếu hoà giải không thành.

Thống kê số vụ việc hoà giải tại toà án

-               Năm 2001: hoà giải được 30.196 vụ trên tổng số 55.402 vụ được yêu cầu

-               Năm 2002: hoà giải được 29.791 vụ trên tổng số 62.914 vụ được yêu cầu

-               Năm 2003: hoà giải được 56.983 vụ trên tổng số 77.861 vụ được yêu cầu

-               Năm 2004: hoà giải được 71.992 vụ trên tổng số 110.509 vụ được yêu cầu

Phạm vi hoà giải :

Hoà giải trong các vụ việc về gia đình (tại các toà án vị thành niên và gia đình)

Hoà giải trong các vụ việc về lao động

Hoà giải theo quy định của một số luật chuyên ngành

Hoà giải trong các vụ án hình sự ( về phần bồi thường thiệt hại)

Trên thực tế, hoà giải thường có mối liên hệ với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như toà án và trọng tài, ít khi được đưa vào thành một điều khoản của hợp đồng.

Cơ chế giải quyết kết hợp hoà giải và trọng tài ở Thái Lan chưa thực sự phổ biến như ở các nước Châu Á.

Chương trình đào tạo về hoà giải

Trước đây, kỹ năng hoà giải phụ thuộc phần lớn vào cá nhân hoà giải viên. Một hoà giải viên phải tự học hỏi qua kinh nghiệm của chính mình mà không phải từ đồng nghiệp. Thời gian gần đây có nhiều viện đào tạo đã đưa các khoá học về hoà giải và thương lượng vào chương trình giảng dạy, hoặc mở các lớp học đặc biệt về giải quyết tranh chấp ngoài Toà án trong đó có hoà giải và thương lượng. Hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp khác đã trở thành một môn học chính thức. Trong bảy năm qua, thực hiện dự án với tên gọi “hoà giải viên cộng đồng tình nguyện”, Cục giải quyết tranh chấp đã mở các lớp tập huấn tại nhiều địa phương cho những người đứng đầu hoặc có uy tín trong cộng đồng. Danh sách những hoà giải viên này được đăng ký tại Viện tư pháp và công bố cho cộng đồng biết. Hoà giải viên tình nguyện thực hiện hoà giải miễn phí cho nhân dân.

Ngoài ra, một số cơ quan nhà nước khác cũng góp phần thúc đẩy hoạt động hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Viện công tố (Bộ Tư pháp) đã tổ chức giáo dục pháp lý cơ sở cho nhân dân trong cả nước, nhằm góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết, phát triển kỹ năng về hoà giải và ADR. Cục quản lý án treo (Bộ Tư pháp) đã tiến hành một chiến dịch tăng cường hoạt động hoà giải. Bộ Nội vụ đôi khi cũng tổ chức chương trình đào tạo về hoà giải   

Tổ chức cung cấp dịch vụ hoà giải

Cục giải quyết tranh chấp (Toà án tối cao): là tổ chức hàng đầu cung cấp dịch vụ hoà giải, phần lớn là hoà giải miễn phí, với trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và quy tắc cụ thể hướng dẫn các bên trong suốt quá trình hoà giải. Ngoài các tranh chấp về lĩnh vực tài chính và vốn vay không hoàn trả như hiện nay, cơ quan này đang mở rộng phạm vi hoà giải tranh chấp về các lĩnh vực khác.

Ngân hàng trung ương Thái Lan: trong thời kỳ cao điểm của khủng hoảng tài chính, Ngân hàng trung ương Thái Lan thành lập ra một bộ phận có tên gọi là Uỷ ban cơ cấu nợ, có nhiệm vụ ban đầu là giúp các bên cơ cấu các khoản nợ, đặc biệt trong trường hợp có nhiều chủ nợ.

Ngoài ra còn có một số cơ quan khác thực hiện hoà giải, ví dụ: Uỷ ban chứng khoán và giao dịch, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Thương mại).

Những hạn chế đối với sự phát triển hoà giải ở Thái Lan

Thứ nhất,  chưa có hiểu biết đầy đủ về hoà giải và cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án: Cộng đồng kinh doanh và thương mại chưa đánh giá đúng lợi ích của hoà giải, mà ưa chuộng phương thức trọng tài hơn. Vì vậy, hoà giải mới chỉ có vai trò chủ yếu là giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng và tranh chấp về tài chính, mà chưa tham gia vào các tranh chấp về kinh doanh và đầu tư. Hơn nữa, các luật sư tư vấn cho doanh nghiệp cũng chưa hiểu hết về hoà giải, họ thường chỉ muốn theo đuổi kiện tụng hoặc con đường trọng tài để thể hiện vai trò của mình và thu phí nhiều hơn.

Thứ hai, thiếu những hoà giải viên có năng lực. Khi hiểu biết về hoà giải được nâng lên thì càng nhiều người sử dụng phương thức hoà giải, vì thế, cần có những hoà giải viên có trình độ để đáp ứng nhu cầu cũng như yêu cầu cung cấp dịch vụ hoà giải có chất lượng. Đây là vấn đề mà nhiều tổ chức thực hiện hoà giải quan tâm và cố gắng tăng cường, tuy nhiên cần có thời gian để có được đội ngũ hoà giải viên có kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. 

Thứ ba,  trong thủ tục hoà giải tại toà án, hoà giải thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào chính sách điều hành của mỗi toà án, ngoại trừ Toà dân sự đã có một cơ chế cụ thể nhất về hoà giải.

Thứ tư , hoà giải viên chưa được hưởng quy định miễn trừ khiếu kiện của các bên, trong khi đó trọng tài viên đã được pháp luật quy định quyền này (ngoại trừ một số ít trường hợp).

Thứ năm, so với trọng tài, thì có một hạn chế nữa là việc tiến hành thủ tục hoà giải không loại bỏ được việc áp dụng các hạn chế theo luật định. Do vậy, các bên tham gia hoà giải phải thận trọng không để quy định hạn chế can thiệp.

Tóm lại, trọng tài và hoà giải là hai phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu ngoài toà án ở Thái Lan, được phát triển mạnh trong vòng một thập kỷ vừa qua. Hiện nay, cùng với những quy định mới của luật trọng tài tương đối phù hợp với quốc tế, và sự nỗ lực của nhiều tổ chức trong thúc đẩy sự phát triển của cơ chế ADR, hoạt động trọng tài và hoà giải sẽ ngày càng được tăng cường, phổ biến rộng rãi và được nhiều người quan tâm, sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp. 

9. Philippines

Cơ chế lựa chọn giải quyết tranh chấp  đã xuất hiện từ lâu trong hệ thống tư pháp của Philippins. Thể thức ADR đầu tiên được quy định trong luật lao động, theo đó thủ tục trọng tài bắt buộc đối với việc giải quyết các tranh lao động do tổ chức hoà giải lao động, các mâu thuẫn trong hoặc ngoài nghiệp đoàn do tổ chức hỗn hợp hoà giải - trọng tài. Các phương thức giải quyết tranh chấp lao động này nằm ngoài phạm vi của toà án, được phát triển bởi lẽ phần lớn các vụ việc lao động đều có liên quan đến người lao động nghèo và họ không đủ khả năng trả phí cho luật sư.

Cơ chế hoà giải tại toà án được thực hiện bởi các hoà giải viên tin cậy của toà án nhằm giải quyết các vụ việc dân sự, chia tài sản cũng như phần dân sự của các vụ án hình sự.

Thể chế hoá cơ chế ADR là một trong 10 dự án ưu tiên của Chương trình phát triển giai đoạn 2001-2005 của Bộ Tư pháp. Việc sớm giới thiệu về hệ thống giải quyết tranh chấp khác có tác dụng khuyến khích các bên giải quyết sớm và tránh khiếu kiện quá tải tại toà án.   

Bộ Tư pháp Philippines đã thực hiện một số hoạt động ban đầu như: chương trình thực hiện thử nghiệm thủ tục hoà giải và  dự án hoà giải mở rộng.

Những tiến bộ gần đây nhất liên quan đến ADR tại Philippines là ban hành Luật số 9285 (ngày 02/4/2004), một đạo luật thể chế hoá việc sử dụng cơ chế ADR tại Philippines và thành lập Cục giải quyết tranh chấp. Theo Luật này thì chính sách của nhà nước thể hiện rất rõ- đề cao quyền tự chủ của các bên trong giải quyết các tranh chấp, các bên tự do thoả thuận việc giải quyết tranh chấp của mình.

Để thực hiện chính sách nói trên, Nhà nước khuyến khích và đẩy mạnh việc sử dụng ADR là những phương thức quan trọng để đạt được mục tiêu hoạt động tư pháp vô tư và nhanh chóng ngoài toà án. Nhà nước còn quy định cách thức để sử dụng ADR như một công cụ hữu hiệu và thủ tục lựa chọn để giải quyết các vụ việc thích hợp, ghi nhận sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua ADR.

Đạo luật số 9285 cũng quy định trong đó một số chương về hoà giải, trọng tài thương mại quốc tế, trọng tài trong nước và các hình thức ADR khác. Bộ Tư pháp đã soạn thảo các quy định hướng dẫn thi hành luật để trình Uỷ ban giám sát quốc hội phê chuẩn.
C. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ

        I. Về nội dung:

1. Kết luận và Kiến nghị của Hội nghị:

Ghi nhận toàn bộ các nội dung đã thảo luận tại Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 2, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên tiếp tục triển khai những kết luận của Hội nghị; cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ các hoạt động mà các nước thành viên đang tiến hành nhằm hoàn thiện và phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án; khuyến khích việc tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN chuyên sâu về những cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án, thúc đẩy việc hài hoà hoá pháp luật về giải quyết tranh chấp ngoài Toà án giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành thể chế và thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án giữa các nước ASEAN góp phần trực tiếp thúc đẩy thương mại trong khu vực Đông Nam Á.

2. Kiến nghị của đoàn công tác nhằm hoàn thiện chế định giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Việt Nam:

Chế định về giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Việt Nam còn chưa được quy định đầy đủ, ít nhất là so với nhiều nước trong khu vực. Việt nam nên chủ động học hỏi, chia sẻ thêm kinh nghiệm với các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, Thái Lan để hoàn thiện  về thể chế cũng như thiết chế trong lĩnh vực này. Trưởng đoàn Việt Nam đã có dịp trao đổi với Ông - Loong Seng Onn - Giám đốc điều hành Trung tâm hoà giải Singapore - một trong những thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án nổi tiếng và thành công không chỉ ở Châu Á, mà còn trên thế giới, và được biết họ rất sẵn lòng trong việc hỗ trợ chuyên gia giúp Việt Nam trong lĩnh vực này, từ khâu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cho đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề nghiệp (hoà giải)... cho các hoà giải viên của Việt Nam.  Cụ thể:

- Việt Nam nên chủ động tổ chức các diễn đàn pháp luật tương tự nhằm học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của các nước ASEAN, trước mắt là để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này (hoà giải, trọng tài);

- Tổ chức các khoá tập huấn với sự tham gia của chuyên gia các nước/ các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án trong ASEAN nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các hoà giải/ trọng tài viên Việt Nam;

- Cử các chuyên gia của Việt Nam tiếp tục tham dự các Diễn đàn pháp luật, các cuộc Hội thảo, khoá tập huấn trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp ngoài Toà án do các nước ASEAN tổ chức[2];

- Tổ chức khảo sát/ nghiên cứu và đánh giá tổng thể, toàn diện cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Việt Nam, so sánh với thể chế, thiết chế có liên quan của các nước ASEAN (tham khảo thêm các thông tin có được từ đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn pháp luật nói trên), từ đó đề xuất các kiến nghị cần thiết cho việc hoàn thiện chế định này tại Việt Nam.

     II. Về công tác tổ chức các Diễn đàn pháp luật:

Tại Hội nghị Bộ trưởng Pháp luật và Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 6 (ALAWMM 6) tổ chức tại Việt Nam tháng 9.2005, các sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại đã được chấp nhận. Để triển khai thực hiện các sáng kiến đó, ALAWMM 6 đã quyết định đề nghị Việt Nam tổ chức Diễn đàn pháp luật lần thứ 4 để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về nội dung lĩnh vực pháp luật đã đề xuất là rất cần thiết. Mọi thành viên của đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn pháp luật tại Thái Lan lần này đều rất ấn tượng với công tác lễ tân, tổ chức bài bản, khoa học và chu đáo của nước chủ nhà. Đoàn công tác xin chia sẻ một số kinh nghiệm liên quan đến công tác tổ chức diễn đàn pháp luật của ASEAN như sau:

-                Các cán bộ trực tiếp tham gia, từ công tác lễ tân ngoài Hội nghị, đến khâu tổ chức, hay phần nội dung tại Hội nghị, đều rất nhiệt tình, linh hoạt, và đặc biệt đều sử dụng tiếng Anh thành thạo. Ngôn ngữ trực tiếp sử dụng trong thảo luận, trao đổi tại Hội nghị cũng là tiếng Anh. Mọi đại biểu tham dự đều am hiểu sâu rộng về lĩnh vực chủ đề của Diễn đàn, vì vậy các cuộc thảo luận đều diễn ra rất sôi nổi và mang tính nội dung cao. Các phiên họp của Diễn đàn đều do các chuyên gia không chỉ của Thái Lan, mà còn của các nước thành viên đồng chủ trì. Cán bộ chủ trì cuộc họp cần thiết phải đảm bảo vừa có kiến thức chuyên môn lẫn trình độ ngoại ngữ, nhằm nắm bắt, cập nhật và tổng hợp được đầy đủ nhất những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị. Việc chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn, cũng như kỹ năng ngoại ngữ để nghe và thảo luận trực tiếp với các nước thành viên khác là những vấn đề cần quan tâm đầu tư cho các đại biểu Việt Nam tham dự các Diễn đàn pháp luật ASEAN;

-               Đối với công tác tổ chức, cần tuyển chọn những cán bộ có trình độ tiếng Anh thông thạo, tác phong nhanh nhẹn nhằm ứng xử linh hoạt với mọi tình huống xảy ra trong quá trình làm việc. Ngoài ra, kiến thức về lễ tân ngoại giao cũng là một vấn đề không thể thiếu đối với những người làm công tác tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN.

 Đặng Hoàng Oanh


 

[1] Tên các nước được trình bày trong bài này được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
[2] Tại cuộc trao đổi với Trưởng đoàn Việt Nam,  Ông Giám đốc điều hành Trung tâm hoà giải Singreapore thông báo sẽ sẵn sàng cung cấp các thông tin mà phía Singapore có liên quan đến lĩnh vực này, theo đề nghị của Việt Nam. Ông cũng tỏ thiện chí sẽ hỗ trợ kinh phí mời các cán bộ pháp luật/ hoà giải - trọng tài viên  của Việt Nam tham dự các khoá Hội thảo/ đào tạo của Trung tâm tại Singapore.