Xây dựng Luật Lý lịch tư pháp: Cơ quan nào nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp?

26/03/2008
Theo Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ được giao quản lý thống nhất về lý lịch tư pháp (LLTP). Đồng thời, Điểm 5 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương đã giao cho Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP và chịu trách nhiệm về việc cập nhật nội dung Phiếu LLTP đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật ấy đều chưa quy định rõ ràng trong hệ thống các cơ quan tư pháp từ TƯ đến địa phương, cơ quan nào nhận và lưu trữ thông tin về LLTP để có thể đáp ứng yêu cầu quản lý LLTP trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau trong việc xác định cơ quan trên.

Căn cứ vào nơi sinh – chỉ hợp với chế độ cũ

Theo quan điểm này, nơi nhận và lưu trữ thông tin về LLTP của một người là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nơi sinh của người đó. Đây sẽ là những cơ quan lưu trữ và cấp LLTP về sau. Được sử dụng trong công tác quản lý LLTP của chế độ cũ, nó có điểm thuận lợi là mỗi người chỉ có một nơi sinh và là yếu tố không thay đổi, có thể chọn làm điểm tiếp nhận thông tin nhằm bảo đảm tập trung thông tin LLTP của một người

Thực hiện cách trên sẽ có một yêu cầu là khi nhận được thông tin về LLTP của một người hoặc khi đương sự khai nơi sinh của mình tại một tỉnh, thành phố để xin cấp LLTP, cơ quan quản lý LLTP của tỉnh hoặc thành phố ấy phải kiểm tra ngay lời khai là thật hay giả và phải xác định lại hộ tịch của họ phòng trường hợp đương sự khai gian. Để làm được điều này, trong chế độ cũ đã có một hệ thống quản lý hộ tịch tương đối ổn định, trên nguyên tắc một người được sinh ra sẽ được lập giấy khai sinh tại nơi sinh. Như thế, muốn xác minh lời khai của đương sự về nơi sinh của họ chỉ cần tra sổ bộ khai sinh nơi đó. Cần lưu ý rằng trong chế độ cũ, cơ quan quản lý và cấp LLTP là toà án, đồng thời cũng là nơi lưu giữ sổ bộ khai sinh. Do vậy, việc tra sổ bộ khai sinh được thuận lợi hơn và nếu lúc kiểm tra lời khai của đương sự không trùng với sổ bộ khai sinh thì có thể mở cuộc điều tra riêng.

Trên cơ sở pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, việc thực hiện cách làm mà chúng tôi vừa đề cập sẽ vấp phải 2 khó khăn: Một là, việc lập khai sinh của một người được thực hiện tại nơi cư trú của cha hoặc mẹ của người đó vào lúc khai sinh. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, UBND cấp xã nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh… Vì thế, nếu chọn Sở Tư pháp nơi sinh của một người làm nhận và lưu trữ thông tin về LLTP của họ thì sẽ khó thực hiện được việc điều tra, xác minh bởi nhiều trường hợp nơi sinh và nơi khai sinh của đương sự là khác nhau. Hai là, trong giấy chứng minh nhân dân hiện đang được lưu hành không ghi rõ các mục: sinh quán, vợ, chồng… để có thể làm căn cứ kiểm tra và cấp LLTP.

Dựa vào hộ khẩu – thông tin không tập trung

Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng, thông tin về LLTP của một người sẽ được gửi cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi có hộ khẩu thường trú (hoặc sổ tạm trú đối với trường hợp không có hộ khẩu) của người đó. Thực hiện cách vừa nêu sẽ gọn nhẹ cho việc kiểm tra vì từ trước đến nay, việc quản lý cá nhân thông qua hộ khẩu gia đình là phổ biến (trong chứng minh thư hiện hành cũng ghi rõ nơi thường trú). Khi nhận được thông tin về LLTP của một người hoặc khi đương sự khai nhận nơi thường trú để xin cấp LLTP, chỉ cần kiểm tra hộ khẩu (hay sổ tạm trú thay hộ khẩu) và giấy chứng minh nhân dân hiện hành.

Tuy nhiên, theo đó có điểm hạn chế là hộ khẩu thường trú của một người là yếu tố có thay đổi. Khi một người đã chuyển hộ khẩu đi tỉnh hay thành phố khác từ một lần trở lên thì thông tin về LLTP của họ không còn tập trung. Do vậy, giả sử một người nộp đơn xin cấp LLTP tại Sở Tư pháp nơi thường trú của mình, nếu nơi thường trú đó đã thay đổi từ một lần trở lên thì Sở Tư pháp tỉnh, thành phố phải chuyển Bộ Tư pháp mới có thể cấp LLTP một cách chính xác.

Gộp 2 cách – linh hoạt hơn

Qua các phân tích ở trên, có thể thấy rằng, những quan điểm, ý kiến về chọn nơi lưu trữ thông tin về LLTP đều thực hiện được nhưng vẫn bị hạn chế bởi các yếu tố: nơi sinh không rõ, không có khai sinh hoặc nơi thường trú thay đổi nhiều lần hay những trường hợp không có hộ khẩu thường trú… Vì thế, theo quan điểm thứ 3, cần phải vận dụng phương án áp dụng cả 2 loại ý kiến. Có nghĩa, khi xác định Sở Tư pháp tỉnh nào là nơi nhận thông tin về LLTP, sẽ áp dụng nguyên tắc ưu tiên. Trong trường hợp người đã bị kết án có nơi sinh và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trùng nhau (chưa đi khỏi địa bàn tỉnh) thì Sở Tư pháp nơi đó nhận thông tin về LLTP. Trường hợp người bị kết án có nơi đăng ký khai sinh khác nơi có hộ khẩu thường trú thì toà án gửi thông tin về Sở Tư pháp nơi họ có hộ khẩu thường trú.

Khi chúng ta đã thiết lập được hệ thống thông tin điện tử trong cập nhật, quản lý, lưu trữ và cấp xác nhận LLTP cho cá nhân, công dân, vấn đề cơ quan nào nhận thông tin sẽ được giải quyết một cách triệt để. Song, để làm được điều này đòi hỏi phải rất công phủ và có sự đầu tư lớn từ công sức, tài chính, thời gian. Còn trong giai đoạn trước mắt, nhằm đáp ứng các yêu cầu của người dân, chúng ta cần nghiên cứu cơ chế phối kết hợp thật hữu hiệu và khai thác nguồn thông tin về LLTP đang được quản lý, lưu giữ tại ngành Công an cũng như từng bước xây dựng Trung tâm quản lý, lưu giữ và cập nhật các thông tin về LLTP ở 2 cấp TƯ và địa phương.

Hoàng Thư

Một số thông tin thuộc phạm vi LLTP:

- Các tội danh và hình phạt trong bản án hình sự đã có hiệu lực thi hành.

- Các bản án, quyết định của toà dân sự có áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước quyền danh dự của một người (tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, tước quyền hưởng di sản…) và các quyết định huỷ bỏ biện pháp hạn chế hoặc tước quyền đó.

- Các quyết định của Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp…