Xung quanh quy định về người thực hiện tư vấn pháp luật: Còn nhiều bất hợp lý

17/03/2008
Theo thống kê của Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp đến nay cả nước mới chỉ có 60 Trung tâm tư vấn pháp luật với 271 tư vấn viên và 500 cộng tác viên. Đây là con số quá ít so với nhu cầu thực tế, và một trong những nguyên nhân của việc không phát triển được đội ngũ này là những quy định quá cứng nhắc của pháp luật.

Bằng ĐH Luật và nhiều tiêu chuẩn khác

Theo quy định của Nghị định 65/CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật thì bên cạnh các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực hành vi dân sự, muốn trở thành tư vấn viên, cần có bằng ĐH Luật, phải được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật và có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên. Quy định này- theo luật sư Nguyễn Thị Minh Châu – Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự là không phù hợp. Thể hiện rõ nhất là yêu cầu về thâm niên công tác quá dài. Một sinh viên luật mới ra trường sẽ không có cơ hội vào các Trung tâm tư vấn vì chưa có đủ thâm niên công tác. Mặt khác quy định “được bồi dưỡng kỹ năng” chưa rõ ràng và không biết phải bồi dưỡng trong bao lâu mới đạt tiêu chuẩn. Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Bổ Trợ tư pháp cũng thừa nhận: thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan mở một số lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật nhưng số lượng chưa nhiều và chất lượng còn hạn chế. Việc mở các lớp bồi dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới chúng ta có thể xem xét để mở các lớp này cùng với lớp bồi dưỡng nghiệp cho trợ giúp viên pháp lý.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị nên bỏ hẳn quy định về điều kiện phải qua lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật bởi lẽ với thời gian chỉ 1 đến 2 tuần như đã từng làm thì cũng không thể nâng cao trình độ của tư vấn viên pháp luật.

Một hạn chế khác khiến thời gian qua đội ngũ tư vấn viên pháp luật không phát triển được vì quy định bó hẹp về người thực hiện tư vấn (chỉ có tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên). Trong khi đội ngũ luật sư là những người có trình độ, có điều kiện tham gia làm tư vấn thì bị bỏ ra ngoài. Nhận thấy những bất hợp lý này, trong quá trình sửa đổi Nghị định 65/CP, Ban soạn thảo cũng đã bổ sung thêm đội ngũ luật sư vào những người tư vấn pháp luật (luật sư làm việc theo chế độ hợp đồng lao động- PV). Ngoài ra còn bổ sung thêm quy định: người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật, nếu có đủ điều kiện thì được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật. Riêng đối với quy định về thâm niên công tác, Dự thảo cũng rút ngắn thời gian từ 3 năm như hiện nay xuống còn 2 năm.

Cộng tác viên: chỉ cần có kiến thức pháp luật

Thời gian qua, việc phát triển không riêng tư vấn viên pháp luật mà cả cộng tác viên chỉ phát triển ở các tỉnh, TP có đông dân cư, kinh tế phát triển. Còn đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhiều nơi đang bị “bỏ trắng”. Đơn giản bởi tìm được người có bằng cử nhân Luật ở những nơi này thật khó khăn. Tại sao chúng ta không tận dụng cả cử nhân của các ngành khác (ví dụ cử nhân kinh tế, tài chính kế toán…) làm cộng tác viên tư vấn pháp luật? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra trong Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Nghị định thay thế Nghị định 65/CP mới đây. Tuy nhiên, theo đại diện một Trung tâm tư vấn ở Hà Nội thì cũng cần cân nhắc quy định này bởi việc tư vấn còn liên quan đến trách nhiệm bồi thường. Nếu là cộng tác viên mà tư vấn sai thì ai chịu trách nhiệm?

Để tháo gỡ khó khăn về đội ngũ cộng tác viên cho các tỉnh miền núi, dự thảo Nghị định cũng cũng nới lỏng tiêu chuẩn đội ngũ này, cụ thể là chỉ cần có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên thì có thể xem xét công nhận cộng tác viên tư vấn pháp luật. Ngoài ra, những người có kiến thức pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng có thể là cộng tác viên. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng phải cụ thể hoá quy định thế nào là có kiến thức pháp luật? Có cần phải qua một lớp kiểm tra hay thẩm định nào không?

Hiện nay, tư vấn viên và cộng tác viên pháp luật muốn hoạt động phải được cấp thẻ. Thẩm quyền cấp là Sở Tư pháp. Tuy nhiên, theo đại diện của UBTWMTTQ Việt Nam thì: các Trung tâm được thành lập ở TW (ví dụ Trung tâm tư vấn của MTTQ Việt Nam) nên để Bộ Tư pháp cấp thẻ. Vì cơ quan TW xuống địa phương để xin phép thì không hợp lý. Đối với Trung tâm ở các tỉnh thì có thể để Sở Tư pháp cấp.

                                                Thu Hằng – Báo Pháp luật VN.

Cộng tác viên tư vấn pháp luật:

Ngoài những người có bằng cử nhân Luật, người có bằng ĐH khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; người thường trú ở những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng có thể là cộng tác viên tư vấn pháp luật (tất nhiên còn kèm theo quy định về năng lực hành vi dân sự và có phẩm chất đạo đức tốt – PV)

Cán bộ, công chức có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp việc làm cộng tác viên đó không trái pháp luật về cán bộ, công chức.

(Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 65/CP)