Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

16/04/2024
Ngày 15/4, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kết luận số 57-KL/TW).
Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại
Chương trình hướng đến mục tiêu cụ thể sau:
1. Chương trình hành động thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ trong tình hình mới, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; là căn cứ để 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
2. Tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, nhận thức rõ về vai trò, vị trí của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai công tác thông tin đối ngoại với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó, chú trọng các mục tiêu và giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tới năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
3. Nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo. Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.
4. Công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
5. Tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.
6. Nhà nước đảm bảo nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ/lực lượng chuyên trách, chủ lực thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại; huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại; đảm bảo các hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đúng định hướng, hiệu quả thiết thực.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ sau đây:
Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết
- Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân, trong đó chú trọng một số điểm mới: (i) quan điểm của công tác thông tin đối ngoại “là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”, trọng tâm là các cấp, các bộ, ngành, địa phương đều triển khai thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại. (ii) Phương châm triển khai “Chủ động, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó, chú trọng tính đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác thông tin đối ngoại; tính hiệu quả để tạo sự đột phá; (iii) coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại. Đồng thời, lưu ý 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần hướng tới nhằm đạt mục tiêu chung nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và cách làm ở tất cả các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại. Xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo đồng thuận và nguồn lực để phát triển đất nước, huy động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia công tác thông tin đối ngoại.
- Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân, nhất là thế hệ trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước.
Chú trọng thông tin về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm”, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia; lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới; trách nhiệm của Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu như các vấn đề an ninh phi truyền thông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu..., các tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam, lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò của Đảng, tính ưu việt của chế độ…, cần thống nhất nhận thức coi việc bảo vệ lãnh tụ, lãnh đạo đảng, nhà nước chính là bảo vệ hình ảnh, uy tín của đất nước.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại
- Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý nói chung; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin đối ngoại, các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đáp ứng nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.
- Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch về thông tin đối ngoại; chú trọng phát triển hệ thống báo chí, xuất bản đối ngoại có tầm ảnh hưởng, uy tín trên thế giới; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống Trung tâm văn hóa thông tin ở nước ngoài; hệ thống cụm thông tin điện tử đối ngoại tại các cửa khẩu biên giới, các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cửa khẩu đường hàng hải và cửa khẩu đường hàng không…
- Xây dựng Chiến lược, Đề án, Chương trình, Kế hoạch thông tin đối ngoại để củng cố, tăng cường quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước, nhất là các địa bàn trọng điểm, chiến lược, địa bàn mục tiêu; cải thiện và thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên một số lĩnh vực: hình ảnh, thương hiệu quốc gia; các đánh giá xếp hạng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tự do báo chí, tự do ngôn luận và các chỉ số phát triển đất nước; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong đó phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số nhằm mục tiêu phát triển đất nước.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, danh mục sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại để thúc đẩy hiệu quả của thông tin đối ngoại.
- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp tham gia hoạt động thông tin đối ngoại, phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy hiệu quả thông tin đối ngoại, nhất là đối với các hoạt động xây dựng, truyền thông quảng bá thương hiệu, hình ảnh đất nước, địa phương ra nước ngoài.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trên cơ sở phân vai, phân nhiệm rõ, tránh chồng chéo, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đảm bảo triển khai công tác và hoạt động thông tin đối ngoại một cách tổng thể, nhất quán và hiệu quả.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là trước các sự việc nhạy cảm, phức tạp, mới nảy sinh, với tinh thần làm tốt công tác truyền thông chính sách, không né tránh trước những vấn đề tồn tại, nhạy cảm.
- Khảo sát, tìm hiểu xu hướng quan tâm, nhu cầu thông tin của người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức nghiên cứu khoa học, thường xuyên đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời phản ứng, đề xuất các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại phù hợp, hiệu quả.
- Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại, kịp thời tích hợp thông tin từ các hệ thống dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
- Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động thông tin đối ngoại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chương trình hành động, chiến lược, quy hoạch; chương trình; đề án thông tin đối ngoại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin đối ngoại để có các chế tài xử phạt nghiêm minh, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo đúng chuẩn mực quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, không ảnh hưởng đến hình ảnh, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.
- Thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác thi đua khen thưởng để khuyến khích, nhân rộng các cách làm hay, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã có đóng góp quan trọng đối với công tác cộng đồng, công tác quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đổi mới tư duy, nội dung, phương thức, cách làm thông tin đối ngoại
- Tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới; nhận thức sâu sắc mối quan hệ chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; gắn thông tin đối ngoại với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại.
- Đổi mới cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn, coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
- Thay đổi cách làm về truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới theo cách thế giới muốn biết về Việt Nam, dựa trên nội dung truyền thông thống nhất để thế giới dễ nhận diện hình ảnh Việt Nam, qua đó, thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh, thương hiệu quốc gia trên toàn cầu; tăng cường thông tin, truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các nền tảng số, mạng xã hội ở trong và ngoài nước.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại để thay đổi cách làm thông tin đối ngoại. Không gian mạng là môi trường hữu hiệu để đưa hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu; đồng thời chắt lọc, tiếp thu tinh hoa thế giới vào Việt Nam; không gian mạng cũng là chính trường quan trọng để bảo vệ chế độ.
- Phát triển cổng/trang thông tin điện tử đối ngoại quốc gia, trở thành nền tảng quảng bá hữu hiệu, một kênh truyền thông chính thống, hấp dẫn với kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; đồng thời phục vụ việc cung cấp số liệu cho các tổ chức quốc tế quan tâm đánh giá, xếp hạng hình ảnh, thương hiệu Việt Nam.
- Một số hình thức tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại cũng cần được xem xét chuyển hướng dần dần từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần mở rộng đối tượng và thông tin đến với các địa bàn trọng điểm của thông tin đối ngoại một cách nhanh hơn, thuận lợi và hiệu quả hơn, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
- Tổ chức mời các đoàn phóng viên thường trú nước ngoài ở Việt Nam; phóng viên nước ngoài vào tác nghiệp nhằm tăng cường truyền thông quảng bá địa phương, đất nước; xây dựng các chương trình hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông của nước ngoài nhằm trao đổi tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình.
- Tăng cường thông tin đối ngoại về công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và trách nhiệm của Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia
- Nâng cao nhận thức của cán bộ làm thông tin đối ngoại trong việc nhận diện, đấu tranh, phản bác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị; ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động trái với quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Cần làm chủ không gian mạng; xây dựng và phát triển lực lượng phản ứng nhanh trên không gian mạng và truyền thông quốc tế để đấu tranh, bác bỏ các thông tin xấu độc, các thông tin sai trái, xuyên tạc, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam, qua đó, tạo nhận thức và cách nhìn đúng, khách quan về tình hình Việt Nam.
- Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho báo chí trong nước, báo chí nước ngoài và nền tảng số trong và ngoài nước, chú trọng các nội dung về dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam.
- Đổi mới công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch theo hướng tăng cường thông tin tích cực; nghiên cứu xây dựng cơ chế đối thoại, vận động các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để góp phần cải thiện thứ hạng Việt Nam.
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế xử lý tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến hình ảnh, quan hệ đối ngoại, lợi ích quốc gia dân tộc.
Tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại
- Nhà nước dành nguồn lực trọng tâm, trọng điểm nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất cho lực lượng làm thông tin đối ngoại, ưu tiên các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, báo chí đối ngoại quốc gia, văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài... Phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, chú trọng vai trò của các tổ chức hữu nghị nhân dân, hội đoàn ở nước ngoài, những người có uy tín và có ảnh hưởng tích cực trong xã hội.
- Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là giới trẻ, lực lượng trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp cho việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam.
- Bố trí, phân công nguồn lực phù hợp, hiệu quả đối với các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài.
- Xây dựng đội ngũ làm thông tin đối ngoại chuyên trách có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất công vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm thông tin đối ngoại; chế độ cho phóng viên, biên tập viên báo, đài đối ngoại; chế độ thuê chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực thông tin đối ngoại và báo chí để thúc đẩy sự đóng góp, cống hiến của họ trong công tác thông tin đối ngoại.
- Nghiên cứu, thí điểm mô hình Đại sứ quảng bá hình ảnh quốc gia, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, mục tiêu của thông tin đối ngoại.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về thông tin đối ngoại, ngoại ngữ các cán bộ, đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm thông tin đối ngoại; chú ý gắn kết các cơ sở đào tạo,
nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành trong thông tin đối ngoại tại các cơ sở đào tạo trên cả nước; mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác giao lưu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm thông tin đối ngoại.
- Mỗi bộ, ngành, địa phương (trừ các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại) cần bố trí ít nhất 01 vị trí việc làm chuyên trách về thông tin đối ngoại.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng công nghệ nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hệ thống báo chí bao gồm kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia; xuất bản đối ngoại; cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không, cửa khẩu nội địa, lối mở các tỉnh biên giới.
- Khuyến khích việc thiết lập các cơ sở văn hóa, du lịch, mạng lưới văn phòng thường trú báo chí Việt Nam tại nước ngoài, các trung tâm văn hóa theo hình thức xã hội hóa.
- Nghiên cứu, bổ sung mục lục ngân sách nhà nước cho thông tin đối ngoại.