Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành về công tác xây dựng pháp luật

28/09/2023
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành về công tác xây dựng pháp luật
Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


 
Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản
Báo cáo tại Phiên họp, thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên có văn bản đôn đốc, nêu rõ nhiệm vụ của từng bộ về việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; tổ chức buổi làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm đôn đốc và đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc; kịp thời trìnhThủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; định kỳ báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng đã tập trung chỉ đạo sâu sát hơn, ưu tiên các nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết (có 08 đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này). Đặc biệt, bên cạnh các phiên họp thường kỳ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã tổ chức 18 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp (chưa kể cuộc họp thường trực Chính phủ chuẩn bị cho các Phiên họp chuyên đề). Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành Danh mục, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 Quyết định về vấn đề này.
Tính từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ ban hành 129 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành được 116/129 văn bản (68 nghị định, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 36 thông tư), còn nợ 13 văn bản chưa ban hành.
Thời gian tới, các đại biểu cho rằng công việc thường xuyên ngày càng nhiều; nhiều tồn tại, vướng mắc cần xử lý; nhiều vấn đề phát sinh cần có pháp luật điều chỉnh; yêu cầu đột phá chiến lược về thể chế và năng lực phản ứng chính sách ngày càng cao; số lượng văn bản quy định chi tiết ngày càng nhiều với yêu cầu khẩn trương đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Về nội dung này, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Thủ tướng giao VPCP chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; đề cao vai trò của các Phó Thủ tướng, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan…
Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) để rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đối với 6 văn bản đã được các bộ, cơ quan trình Chính phủ nhưng chưa ban hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ chủ trì giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, trình lại trước ngày 5/10/2023; các Phó Thủ tướng chỉ đạo để ban hành trước ngày 10/10/2023.
Đối với các dự thảo nghị định chưa được các bộ trình Chính phủ, các bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 5/10/2023.
Đối với 3 thông tư quy định chi tiết chưa được ban hành theo thẩm quyền, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo hoàn thiện và ban hành trước ngày 5/10/2023.


 
Thủ tướng yêu cầu không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản
Đối với các văn bản cần ban hành trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng; không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với VPCP theo dõi, đôn đốc, báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và báo cáo Thường trực Chính phủ khi cần thiết.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng thì bộ trưởng quyết định, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định, những gì thuôc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số, Thủ tướng nêu rõ.
Kết luận chung, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, VHTT&DL đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, báo cáo; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở. Bộ Tư pháp và VPCP đã tích cực thẩm định, thẩm tra để trình Chính phủ; ý kiến trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự thảo báo cáo theo quy định; các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, báo cáo theo phân công, xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Bộ Tư pháp, VPCP và các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tính chung trong 9 tháng năm 2023, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế, đạt nhiều kết quả.
Thủ tướng yêu cầu phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa, cá thể hóa trách nhiệm
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế với việc giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng lưu ý một số yêu cầu: Phản ứng chính sách, ban hành văn bản kịp thời, nâng cao chất lượng các quy định; phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa, cá thể hóa trách nhiệm; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc trực tiếp; chống tiêu cực, tham nhũng, "cài cắm" lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
Song song với đó, cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách, chế độ phù hợp, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; chú ý lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các đối tượng tác động, các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà hoạt động thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.