Để đảm bảo an toàn thông tin thiết bị cá nhân của mình và người thân, người dùng cần thực hiện các biện pháp sau:
Cập nhật phần mềm:
Rất nhiều người có suy nghĩ rằng việc cập nhật phần mềm sẽ tốn nhiều thời gian và gây phiền nhiễu. Trong một số trường hợp thì đúng là như vậy, nhưng nó vẫn là hình thức bảo vệ quan trọng nhất để chống lại các hacker.
Phần mềm hoạt động trên tất cả các loại thiết bị: các hệ điều hành Windows hoặc MacOS cài trên máy tính hoặc máy tính xách tay, các hệ điều hành Android hoặc iOS được cài đặt trên các thiết bị di động. Ngay cả bộ định tuyến và các thiết bị thông minh khác trong nhà của bạn cũng có phần mềm hoạt động trên chúng. Đảm bảo bạn phải thường xuyên kiểm tra - mỗi tuần một lần - trong trường hợp có các bản cập nhật cho các thiết bị bạn đang sử dụng, hãy tiến hành cài đặt chúng càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng cần cập nhật cho các ứng dụng và phần mềm mà bạn thường xuyên sử dụng trên máy tính của mình, đây cũng là một việc quan trọng, chẳng hạn như trình duyệt internet, phần mềm đọc PDF và Microsoft Office… Bạn sẽ thường xuyên nhận được các thông báo nếu có phiên bản mới của phần mềm.
Thiết lập mật khẩu mạnh:
Các trang web và các ứng dụng thường yêu cầu bạn sử dụng mật khẩu kết hợp giữa chữ cái và chữ số. Nhưng trên thực tế thì nó khá dễ dàng bị bẻ khóa bởi các hacker và đó là lý do tại sao bạn nên cân nhắc sử dụng cụm mật khẩu (passphrases) thay vì mật khẩu. Những cụm từ dài nhưng dễ nhớ, đó là hai điều kiện tiên quyết để có một mật khẩu mạnh.
Cách tốt nhất để lưu mật khẩu:
- Sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và lưu trữ các mật khẩu ngẫu nhiên có độ dài tối thiểu là 20 kí tự.
- Sử dụng cụm mật khẩu (passphrase).
- Viết mật khẩu và giữ nó ở nơi an toàn để đảm bảo bạn không bao giờ mất khả năng truy cập vào trình quản lý mật khẩu của mình.
Theo dõi mật khẩu thường xuyên:
Cho dù mật khẩu của bạn có mạnh đến mức nào, nó vẫn có thể bị đánh cắp. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải kiểm tra xem mật khẩu của bạn có bị hacker đánh cắp hay không.
Đừng để thiết bị cá nhân ngoài tầm kiểm soát:
Tránh để các thiết bị cá nhân ngoài tầm kiểm soát của bạn. Điều đó có thể tạo điều kiện cho các hacker, kẻ lừa đảo lợi dụng thiết bị của bạn để đánh cắp thông tin hoặc thực hiện các hành vi phạm tội trên chính thiết bị cá nhân đó.
Cảnh giác với Wi-Fi công cộng:
Khi sử dụng Wi-Fi công cộng khiến bạn có nguy cơ bị người khác theo dõi các hoạt động trực tuyến của mình và một số phần mềm độc hại thậm chí có thể được truyền tải qua Wi-Fi.
Xác thực hai yếu tố:
Để hạn chế hậu quả khi bị mất mật khẩu, bạn có thể sử dụng cơ chế xác thực hai nhân tố (2fa), đây là một phương pháp bảo mật tương đối mới. Bạn có thể kích hoạt xác thực hai yếu tố thông qua các dịch vụ bạn sử dụng, nếu chúng hỗ trợ phương pháp này.
Thực hiện sao lưu:
Cho dù bạn sử dụng phần cứng (như ổ cứng ngoài) hay phần mềm (như dịch vụ điện toán đám mây), hãy đảm bảo dữ liệu của bạn được sao lưu vào một vị trí an toàn
Lưu ý về biểu tượng khóa (nhưng không nên tưởng tuyệt đối):
Biểu tượng khóa tại thanh địa chỉ của trình duyệt web cho biết bạn đang sử dụng kết nối được mã hóa. Điều này có nghĩa là thông tin bạn đang nhập vào trang web, ví dụ như mật khẩu hoặc thông tin thẻ tín dụng của bạn, sẽ được gửi đi một cách an toàn và không thể bị chặn bởi hacker. Vì vậy, hãy nhớ rằng bạn chỉ nhập thông tin nhạy cảm trên các trang web hiển thị biểu tượng khóa này tại thanh địa chỉ. Nếu một địa chỉ trang web bắt đầu bằng https://, thì đồng nghĩa đấy là địa chỉ an toàn.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng biểu tượng khóa không có nghĩa là bạn thực sự có thể tin tưởng trang web bạn đang truy cập. Rất nhiều trang web lừa đảo cũng sử dụng biểu tượng khóa như vậy để lấy được lòng tin của bạn, qua đó sẽ tìm cách ăn cắp thông tin đăng nhập của bạn. Hãy chú ý hơn đến địa chỉ của trang web và kiểm tra lại xem nó có chính xác hay không.
Hãy cẩn thận với file đính kèm và kiểm tra các tập tin bạn không tin tưởng.
Sử dụng VPN.