Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng cần thiết phải ban hành Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bởi đây là Dự án Luật được đông đảo nhân dân quan tâm; việc đi lao động ở nước ngoài đã góp phần giải quyết được tình trạng thiếu việc làm, số đông người lao động được tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi thảo luận là về tên gọi của Luật, điều kiện cấp giấy phép, quy định ý thức của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, số lượng các chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Về tên gọi của Luật, vẫn có ý kiến khác nhau. Một số đại biểu nhất trí với tên gọi là “Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, vì cho rằng tên gọi này phản ánh được hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một số đại biểu khác lại đề nghị tên luật là “Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Lý giải điều này, đại biểu Đỗ Phương Thảo (đoàn Hải Phòng) cho rằng, tên gọi này tuy hơi dài nhưng bao hàm được đầy đủ phạm vi, đối tượng áp dụng, nội dung luật cần điều chỉnh là mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số đại biểu khác lại đề nghị gọi là “Luật Xuất khẩu lao động”. Theo các đại biểu, tên gọi như vậy thể hiện được bản chất sự việc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thể hiện trong dự án luật, rành mạch về đối tượng, phạm vi áp dụng, cụm từ “xuất khẩu lao động” đã được sử dụng nhiều năm và đã trở thành thói quen trong nhân dân.
Về số lượng chi nhánh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ khi thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không quá 3 chi nhánh. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Nghệ An) phát biểu: Cần tạo điều kiện mở rộng hoạt động cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tăng chi nhánh là một trong những giải pháp quan trọng để đáp ứng yêu cầu tăng nhanh số lượng xuất khẩu lao động. Đề nghị Ban soạn thảo không nên khống chế chi nhánh do doanh nghiệp quản lý, hoặc nếu quy định cũng phải tăng số lượng, không nên chỉ hạn chế ở 3 chi nhánh. Đồng thời, thay thế bằng các quy định chặt chẽ khác nhằm đề cao tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động của chi nhánh. Bên cạnh những quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của chi nhánh như đã thể hiện trong Dự thảo Luật, cần quy định chặt chẽ để tăng cường sự quản lý Nhà nước và đề ra các chế tài cụ thể để ngăn chặn các sai phạm.
Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong Dự án Luật có quy định là phải có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ, các đại biểu Lê Thị Kim Liên (đoàn Thái Bình), Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) và một số đại biểu đề nghị, tuỳ theo từng doanh nghiệp không nên quy định rõ số tiền này là bao nhiêu. Về tiền dịch vụ mà người lao động phải trả doanh nghiệp, cũng nên quy định rõ gồm những khoản nào để người lao động yên tâm, còn những khoản mà Luật không quy định thì doanh nghiệp không được thu của người lao động.
Về doanh nghiệp nhận thầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận thể hiện thành 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng doanh nghiệp trúng thầu công trình, dự án ở nước ngoài là pháp nhân Việt Nam hoàn toàn khác với tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lập thành pháp nhân nước ngoài, do đó khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, quyền và nghĩa vụ của hai loại hình doanh nghiệp là khác nhau, không nên viết chung như Mục 2 Chương II của dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp 9; đồng thời cũng cần xem lại tên gọi của doanh nghiệp cho phù hợp với Luật đấu thầu và Luật đầu tư. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, người lao động tuy làm việc ở nước ngoài trong 2 loại hình doanh nghiệp có pháp nhân khác nhau, song do luật chủ yếu chỉ điều chỉnh quan hệ giữa người lao động với tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, mà không điều chỉnh các mối quan hệ khác. Do đó, xét về quan hệ lao động thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc của tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài về cơ bản là như nhau.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của Tòa án, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp lao động
Tại phiên họp, chiều nay, khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí đánh giá sự phân định khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (Điều 157) là vấn đề cần quan tâm của dự án Luật. Đồng thời, việc phân định tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích là cần thiết để tạo ra cơ chế giải quyết rõ ràng đối với mỗi loại tranh chấp, góp phần hạn chế các cuộc đình công tự phát, bất hợp pháp. Bởi vậy, việc quy định loại tranh chấp lao động tập thể nào thì được đình công phải được cân nhắc thận trọng nhằm vừa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Toà án, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trong việc giải quyết các tranh chấp lao động.
Về thẩm quyền lãnh đạo đình công, một số đại biểu đề nghị: việc khởi xướng và lãnh đạo đình công giao cho công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời đảm nhiệm, còn đối với doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời thì tập thể lao động được cử đại diện để tổ chức và lãnh đạo đình công.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết đình công (Điều 159), tại cuộc thảo luận còn có những ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, liên đoàn lao động ở địa phương trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hai bên thương lượng hoà giải trước khi đình công xảy ra cũng như giải quyết các tranh chấp lao động nhằm luật hóa thực tiễn giải quyết tình hình đình công hiện nay.
(Theo website Chính phủ)