Ngày 26-10, trong ngày làm việc thứ chín, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận các dự án: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và Luật Bình đẳng giới.
Nhân đạo, nhưng không được thương mại hóa
Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Báo cáo nêu rõ những vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý của dự án luật như: đối tượng điều chỉnh, bố cục của luật, quy định vấn đề tiêu chuẩn, thủ tục và thẩm quyền xác định "chết não"; về ngân hàng mô; trình tự và thủ tục hiến, lấy mô; hiến, lấy xác... Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này; điều kiện để đăng ký hiến và nhận lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; vấn đề bảo mật thông tin việc hiến và nhận; các hành vi bị cấm và các chế tài chung quanh việc hiến và nhận ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác...
Thảo luận dự án luật này, các đại biểu QH đánh giá cao mục đích nhân đạo và tự nguyện trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm chữa trị bệnh tật, cứu sống người bệnh, phát triển y học ghép tạng, một lĩnh vực y học hiện đại và nhân đạo, nhưng đồng thời phải ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa, lợi dụng việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để mua bán nội tạng, hình thành thị trường bất hợp pháp trong lĩnh vực này.
Ðại biểu Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai) đề cao nguyên tắc tự nguyện của người hiến, nhưng băn khoăn vì dự luật chưa quy định đủ các biện pháp chế tài đối với những hành vi bị nghiêm cấm, bởi trong lĩnh vực này, giữa "tự nguyện" và "mua bán" ranh giới rất mong manh.
Ðại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) nêu ra vấn đề: Người đăng ký hiến, nhưng người thân trong gia đình người đăng ký không cho thì giải quyết việc hiến và nhận như thế nào? Ðể tránh những kiện tụng phức tạp, cần có sự đồng ý của gia đình đối với đề nghị được hiến nội tạng của người tự nguyện hiến. Dự thảo luật quy định việc thành lập "ngân hàng mô"; và để "xã hội hoá" vấn đề này, cho phép tư nhân được thành lập "ngân hàng mô".
Ðại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) và một số đại biểu khác đồng ý để tư nhân tham gia thành lập "ngân hàng mô".
Ðại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh thì đề nghị một cách làm thận trọng: Nhà nước nên thành lập, quản lý "ngân hàng mô" trước, rút kinh nghiệm hoạt động và quản lý, rồi mới "xã hội hóa" cho tư nhân được tham gia sau.
Ðại biểu Trương Thị Vân (Nghệ An) lại không đồng tình, cho rằng: Việc đầu tư thành lập "ngân hàng mô" là rất lớn, nếu tư nhân đầu tư, đương nhiên phải thu hồi lại vốn, sẽ dẫn đến thương mại hoá, không tránh khỏi tình trạng mua, bán nội tạng cơ thể người trong lĩnh vực này.
Ðại biểu Trần Ðông A (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, việc xây dựng, ban hành luật này rất quan trọng, nhằm nghiên cứu khoa học y học ghép tạng và cứu chữa người bệnh, góp phần phát triển nền y học hiện đại của nước nhà.
Do tính chất đặc thù, dự luật cần đạt tới chuyên môn sâu của ngành y học ghép tạng, nhưng cũng cần đạt tới sự hài hòa về mặt xã hội và pháp luật để việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đạt được mục đích chữa bệnh, nhân đạo và tự nguyện, chống mọi biểu hiện và hành vi thương mại hóa.
Các đại biểu QH còn cho nhiều ý kiến về thủ tục đăng ký; trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, của cơ sở y tế trong việc hiến, lấy, ghép mô... và một số vấn đề khác.
Bảo đảm sự bình đẳng
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận dự án Luật Bình đẳng giới, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh.
Dự án Luật Bình đẳng giới trình Quốc hội xem xét tại phiên họp này gồm sáu chương, 50 điều. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày, đã nêu rõ các loại ý kiến khác nhau về sáu vấn đề chung, 11 vấn đề cụ thể và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về từng vấn đề đó. Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo và cho rằng, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu khá tốt các ý kiến phát biểu của đại biểu QH tại kỳ họp trước và tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách. Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung phân tích những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trước hết về tên gọi của Luật, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành như dự thảo gọi là Luật Bình đẳng giới. Loại ý kiến khác đề nghị lấy tên Luật là: Luật Bình đẳng nam, nữ. Vì từ "giới" ở đây có thể hiểu khá rộng, không chỉ là giới nam, giới nữ, mà còn có thể là: giới trí thức, giới văn nghệ sĩ, giáo giới... (Trần Tiến Cảnh, Hà Nam; Hoàng Thiện Cát, Hưng Yên). Mặt khác, gọi là Luật Bình đẳng nam, nữ thì rõ nghĩa hơn và không cần phải giải thích từ "giới" ở Ðiều 5 nữa.
Vấn đề thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận nhất có thể nói là tuổi về hưu của người lao động quy định tại Ðiều 13. Về vấn đề này, có ba loại ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật này không nên điều chỉnh tuổi về hưu, mà nên để Bộ luật Lao động, pháp luật về cán bộ, công chức và Luật Bảo hiểm xã hội quy định cho thống nhất như khoản 3, Ðiều 13.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Luật này không điều chỉnh cụ thể tuổi về hưu mà chỉ quy định tuổi về hưu trên nguyên tắc bình đẳng giới-nghĩa là nam, nữ có quyền về hưu ở độ tuổi ngang nhau. Tuy nhiên, cần cho phụ nữ quyền lựa chọn, nếu họ có nhu cầu về hưu sớm thì được quyền nghỉ trước năm năm, không bị trừ phần trăm lương.
- Loại ý kiến thứ ba cho rằng, quy định tuổi về hưu của lao động nữ (bao gồm cả cán bộ, công chức) ít hơn nam năm tuổi là một chính sách ưu việt của Ðảng và Nhà nước ta để phụ nữ có điều kiện chăm lo gia đình, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, phù hợp bối cảnh lịch sử khi chính sách ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ðây có thể được coi như là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng thực tế giữa nam và nữ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, đến nay, một nhóm dân số đã đạt điều kiện để có thể chấm dứt áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cho nhóm dân số này để vừa bảo đảm sự bình đẳng giới, vừa tránh lãng phí một nguồn rất lớn nhân lực nữ có nhiều kinh nghiệm, tri thức, đặc biệt là đối với các nhà khoa học, nhà quản lý; còn nhóm dân số nào chưa đạt điều kiện để chấm dứt biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì tuổi về hưu vẫn nên giữ như quy định hiện hành. Do đó, đề nghị quy định độ tuổi về hưu của nam, nữ trong một số ngành, nghề như nhau do Chính phủ quy định.
Ủy ban Thường vụ QH, trong báo cáo giải trình, tiếp thu cho rằng, vấn đề tuổi về hưu của nam và nữ ý kiến còn khác nhau nhiều, nên cần được tiếp tục khảo sát thêm thực tiễn, lấy ý kiến của các đối tượng, tiến hành tổng kết, làm cơ sở sửa đổi cơ bản các pháp luật chuyên ngành có liên quan. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH tán thành với loại ý kiến thứ nhất và trong dự thảo luật này, khoản 3, Ðiều 13 đã được chỉnh sửa như sau: "3. Ðiều kiện hưởng lương hưu của cán bộ, công chức và lao động nam, nữ theo quy định của Bộ luật Lao động, pháp luật về cán bộ, công chức và Luật Bảo hiểm xã hội".
Tán thành với ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, nhưng các đại biểu Ðặng Thị Ngọc Phượng (Tây Ninh), Nguyễn Thị Tuyết Nga (Hà Tĩnh) cho đó chỉ là giải pháp trước mắt và đề nghị cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội về vấn đề này.
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu QH cho ý kiến là việc quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia QH, Hội đồng Nhân dân và tham gia quản lý, lãnh đạo (khoản 5, Ðiều 11). Nhìn chung, các ý kiến cho rằng, Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc, còn các chỉ tiêu cụ thể giao cho Ủy ban Thường vụ QH quy định căn cứ vào tình hình thực tiễn, phù hợp quá trình phát triển của đất nước. Còn nếu quy định cụ thể bao nhiêu phần trăm khó bảo đảm tính khả thi, vì việc bầu cử còn phụ thuộc vào ý chí của cử tri. Trong trường hợp quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm, mà không đạt được thì trách nhiệm thuộc về ai, xử lý thế nào?
Các ý kiến phát biểu còn đề cập trách nhiệm quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
(Theo Nhân dân)