Sáng nay (20-10), QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng. Phạm vi điều chỉnh, quy định về phòng công chứng và văn phòng công chứng... là những vấn đề được nhiều đại biểu QH sôi nổi thảo luận sáng nay.
Dự thảo Luật Công chứng lần này chỉ nên điều chỉnh hoạt động công chứng là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra. Bên cạnh đó là loại ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó, cần xây dựng Luật công chứng, chứng thực, vì cho rằng vấn đề bức xúc hiện nay là hoạt động chứng thực, nhất là chứng thực bản sao. Lại có ý kiến đề nghị Luật công chứng cần điều chỉnh cả hoạt động công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, đại biểu (ĐB) Lương Thị Hoa (đoàn Thanh Hóa) còn đề nghị, cần cho phép công chứng viên được tư vấn pháp luật trong một số trường hợp cần thiết. Trong khi đó, ĐB Bùi Thị Trung Hà (đoàn Hà Nam) lại đề nghị, phạm vi điều chỉnh nên bao gồm cả công chứng và chứng thực, vì cả hai hoạt động này đều quan trọng và có thể bổ sung được cho nhau, nhất là đối với các đối tượng cần chứng thực và công chứng là đồng bào vùng sâu, vùng xa...
Về văn phòng công chứng, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc việc cho phép thành lập văn phòng công chứng, vì nếu chỉ thực hiện việc công chứng thì văn phòng công chứng sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ địa vị pháp lý của văn phòng công chứng, theo hướng văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; do từ hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Lại có ý kiến đề nghị quy định chỉ cần một công chứng viên là có thể thành lập văn phòng công chứng.
Thống nhất với các vấn đề trên, nhất là về phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đức Dũng (đoàn Kon Tum) lại có thêm băn khoăn mới. Đó là về các hợp đồng và giao dịch điện tử sẽ được thực hiện nhiều trong thời gian tới (nhất là khi chúng ta sắp sửa gia nhập WTO) thì có được công chứng không? Và nếu được công chứng thì phải thực hiện như thế nào? Đây là điều theo ông chưa thấy nêu trong dự thảo Luật. Còn quy định về công chứng viên, theo quy định, nếu họ không được kiêm nhiệm công việc khác, trong trường hợp nếu là công chứng viên của phòng công chứng (thuộc nhà nước) thì được; nhưng nếu họ hoạt động trong văn phòng công chứng (hoạt động như 1 DN tư nhân) thì quy định này rõ ràng không có tính khả thi.
Riêng quy định về phòng công chứng, có ý kiến đề nghị cần quy định phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp có thu, lấy thu bù chi. Ý kiến khác đề nghị không nên đặt tên phòng công chứng theo thứ tự thành lập. Lại có ý kiến đề nghị nên nhập văn phòng công chứng và phòng công chứng thành một mô hình dịch vụ công của nhà nước...
Chiều nay, các ĐB tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cư trú.
(Theo Hà nội mới)