Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2023

08/03/2023
Ngày 07 tháng 3 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường ký tháng 02 năm 2023.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2023
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, thực chất, hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm sự chủ động, quyết liệt, chính xác và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình, khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chú trọng những nội dung chủ yếu sau:
1- Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.
2- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và quản lý điều hành xăng dầu, bảo đảm hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023; chủ động, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo đối với vấn đề vượt thẩm quyền.
3- Tập trung nguồn lực hoàn thành việc lập, thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn cung vật liệu theo nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; quản lý chặt chẽ giá nguyên, nhiên, vật liệu; xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, ép giá.
4- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình giá thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định, nhất là mặt hàng điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác...
5- Tổ chức thực hiện quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tham mưu trình cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí cho các bộ, ngành từ nguồn ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả, thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành và đánh giá mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
7- Các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 03 dự án đạm; tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.
8- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
9- Chủ động cung cấp thông tin, truyền thông chính sách đến người dân. Trước các vấn đề thời sự được dư luận xã hội quan tâm, cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí và người dân nhằm góp phần tạo đồng thuận xã hội và Nhân dân chia sẻ, đồng hành với cơ quan chức năng.
10- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
11- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung quán triệt, chỉ đạo về việc đề cao trách nhiệm cá nhân và của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được giao, phân công, ủy quyền; tham gia hiệu quả giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm đối với các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo quy định. Đối với những đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải trực tiếp làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ.
Về tình hình phân b, giải ngân vốn đầu tư công
Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 1438/BC-BKHĐT ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 02 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến ngày 01 tháng 3 năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đạt 85,2% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán đến ngày 28 tháng 02 năm 2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ (tăng khoảng 10%). Có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 43 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn (0%). Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 1463/BC-BKHĐT ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Trên một số bảng xếp hạng quốc tế năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm trước, chất lượng môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta được cải thiện nhưng chưa bền vững, chất lượng, thứ hạng còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm; còn nhiều quy định của pháp luật chưa thống nhất, phù hợp và khả thi, còn nhiều điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp, làm cho các nguồn lực chưa được khơi thông, sử dụng hiệu quả.
Để tiếp tục thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tại Báo cáo 1463/BC-BKHĐT nêu trên; trong đó chú trọng một số nội dung sau:
1- Tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng vào các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
2- Tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đưa ra các yêu cầu bổ sung về hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục hành chính trái hoặc không có quy định.
3- Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các dịch vụ công trực tuyến. Nhanh chóng áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
4- Cập nhật, công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan hoạt động kinh doanh được tham vấn, lấy ý kiến và phản hồi ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp trên Cổng. Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị chính sách để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5- Đẩy mạnh tuyên truyền với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về duy trì, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
6- Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, quá mức cần thiết khi không có dấu hiệu vi phạm với mục tiêu hướng dẫn để doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt hơn, không gây khó cho doanh nghiệp…